Trong thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 được công bố chiều 29/12 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều những sai phạm của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến sách giáo khoa (SGK).
Không có hướng dẫn kịp thời gây lãng phí
Kết luận chỉ rõ đối với SGK biên soạn theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã không cung cấp được bản thảo mẫu SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu SGK hiện hành với Bản thảo mẫu SGK đã được phê duyệt, điều này đã bộc lộ việc vi phạm theo quy định, thể hiện việc buông lỏng trong công tác lưu trữ.
Khi biên soạn SGK đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào SGK (73/193 cuốn). Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT mới ban hành được 3 văn bản trong đó có nội dung hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách, nhưng chưa ban hành được cơ chế, Chính sách quy định về sử dụng lại SGK, việc sử dụng lại SGK mới đạt khoảng 35%.
Bản kết luận chỉ ra, từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019, 73/193 cuốn SGK học sinh có thể viết vào SGK đã được in, phát hành và bán được tổng số hơn 300 triệu bản. Trường hợp tính 65% SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội thì giá trị lãng phí (tạm tính) hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Có dấu hiệu lợi ích nhóm
Bộ GD&ĐT cũng ban hành văn bản số 2372 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.
Tuy nhiên thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành sách bài tập).
Việc nêu sách bài tập được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành tại là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.
Mặc dù Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 21 quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên nhưng chưa kịp thời ban hành văn bản về việc dừng sử dụng văn bản số 2372 nêu trên.
Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Qua quá trình thanh tra cũng thấy được việc điều chỉnh tăng giá sách lần 3 phản ánh Bộ GD&ĐT chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để yêu cầu NXB phải thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Bộ làm cho NXB đã điều chỉnh tăng giá bán SGK 16,9%.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong biên soạn, xuất bản bộ SGK chuẩn làm căn cứ xây dựng phương án giá SGK cho các NXB thực hiện khi kê khai theo quy định; phê duyệt, giao kế hoạch sản xuất kinh doanh SGK hằng năm cho NXB đều chậm; chưa thực hiện trách nhiệm tổ chức giám sát NXB theo quy định tại.
Đối với dách giáo khoa biên soạn theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội kết luận chỉ ra rằng Bộ GD&ĐT đã thực hiện được một số công việc, tuy nhiên phần lớn các nội dung thực hiện đều chậm, không đảm bảo tiến độ theo lộ trình