Thông tin mới về vụ người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn ở khu vực núi Bà Đen
Sau gần 20 ngày được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa, sức khỏe của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn Phạm Văn Tâm (38 tuổi, ngụ Tây Ninh) đã có nhiều chuyển biến cực tốt.
Theo đó, anh Tâm đã rời khỏi Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU-một trong những nơi chữa trị những bệnh nhân nguy kịch nhất bệnh viện) trong tình trạng tỉnh táo, tự thở, giao tiếp bình thường, các chức năng tim, thận, phổi đã bình phục có nghĩa là bệnh nhân đã hồi sinh, không còn nguy kịch.
Trên giường bệnh trong trạng thái minh mẫn, anh Tâm đã chuyển lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ, đến những người quan tâm theo dõi giúp đỡ anh và gia đình trong suốt thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Quí Hưng (Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy), anh Tâm đã trải qua 4 lần cắt lọc các phần mô bị hoại tử, hiện những vết cắt lọc đã lên mô hạt. Những mô hoại tử ở phần bụng phải và đùi phải của bệnh nhân đã lành.
Nắng nóng tiếp tục xuất hiện ở miền Bắc
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (4/9), ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Ở các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng cục bộ trên 35 độ C.
Trong khi nắng nóng ở miền Trung khả năng vẫn tiếp diễn nhiều ngày tới thì khu vực vùng núi phía Bắc từ đêm 5/9 sẽ xuất hiện mưa rào và dông vài nơi. Các khu vực khác ở miền Bắc, từ khoảng đêm 6 rạng sáng 7/9 mưa dông cũng xuất hiện vài nơi, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa lớn tập trung về đêm và sáng sớm).
Tây Nguyên và Nam Bộ cuối tuần thời tiết phổ biến ban ngày có nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Phát hiện bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trước cửa hàng điện thoại
Theo tin tức từ Dân Việt, lãnh đạo UBND xã Kỳ Sơn (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn xã vừa phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm theo lá thư nhờ chăm sóc hộ.
Cụ thể, vào tối 3/9, người dân quanh khu vực đường 352, đoạn gần chợ Kỳ Sơn, xã Kỳ Sơn, phát hiện một bé gái sơ sinh nặng gần 4kg bị bỏ rơi trước một cửa hàng bán điện thoại. Ngay sau đó, người dân đã thông báo sự việc đến chính quyền sở tại. Đồng thời đưa cháu bé đến trạm y tế xã Kỳ Sơn để chăm sóc sức khoẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Kỳ Sơn, khi người dân phát hiện cháu bé xung quanh có nhiều bỉm, tã lót và một lá thư để lại với nội dung: “Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện nuôi cháu được. Xin nhờ gia đình anh chị ở đây nuôi bé khôn lớn”. Sức khoẻ của cháu bé bỏ rơi vẫn ổn định, bé khoẻ mạnh.
Cách ly gần 700 hộ dân TP Buôn Ma Thuột vì bạch hầu
Theo tin tức từ Vnexpress, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk , cho biết bắt đầu từ 0 giờ ngày 4/9, cơ quan chức năng đã lập các chốt chặn, cách ly toàn bộ thôn 7, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột để phòng chống bệnh bạch hầu.
Trước đó, chiều ngày 3/9, cơ quan chức năng ghi nhận có 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên trên địa bàn thôn 7. Bệnh nhân là cháu Y.M.E. (SN 2017, dân tộc Ê Đê).
Sau khi phát hiện ca bệnh, UBND TP Buôn Ma Thuột đã có văn bản hỏa tốc về triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống bạch hầu. Theo đó, tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế từ 0 giờ ngày 4/9 đến 0 giờ ngày 11/9 tại thôn 7 (khoảng 700 hộ dân). Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các trường học đóng chân trên địa bàn thôn cho học sinh nghỉ học đến hết thời gian cách ly.
Giao UBND xã Cư Êbur chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp để khống chế, dập dịch tại thôn 7. Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của ngành y tế như: Khử khuẩn, vệ sinh môi trường, rà soát người tiếp xúc, tổ chức uống kháng sinh dự phòng, tổ chức tiêm ngay vắc-xin phòng bạch hầu khi ngừng uống kháng sinh...
Như vậy, chỉ trong vài tháng qua, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 41 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Đoàn Ngọc Hải tự lái xe đưa bệnh nhân nghèo từ Hà Nội về Hà Giang
Ngày 3/9, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.Hồ Chí Minh có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để đưa 1 bệnh nhân nghèo về Hà Giang.
Ông Hải cho biết, ông có mong muốn giúp đỡ những người nghèo thật sự chứ không phải “làm màu” hay để nổi tiếng như nhiều thông tin đồn thổi. Theo ông Hải, những ngày đầu tự lái xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí, ông đã nhận tới hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi nhờ giúp đỡ. Ông sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ người nghèo khó.
Trước đó, ông Hải dùng gần 700 triệu đồng tiền cá nhân để mua một chiếc xe cứu thương chuyên dụng để chở bệnh nhân nghèo miễn phí, kể cả từ Hà Nội vào TPHCM và ngược lại, phục vụ người dân ở mọi miền đất nước.
28 lỗi bị đề xuất trừ điểm vào bằng lái, trừ hết 12 điểm/năm phải thi lại
Sau khi Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất cấp điểm bằng lái xe của Bộ Công an. Nếu tài xế không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm, khi bị trừ hết điểm phải thi lại giấy phép lái xe (GPLX), người dân đặc biệt quan tâm đến những lỗi vi phạm mà người điều khiển sẽ trừ điểm.
Theo dự thảo Luật Bảo đảm trận tự an toàn giao thông đường bộ lần thứ 2, Bộ Công an đã đề xuất 28 hành vi và nhóm hành vi bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính và trừ điểm bằng lái, tuy nhiên số điểm trừ cụ thể cho từng hành vi vẫn chưa thống nhất.
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, khi đề xuất trên đi vào thực thi, sẽ giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.
Ông Bình cho hay, ở các nước văn minh trên thế giới đều có hệ thống trừ điểm. Khi tài xế vi phạm bị xử phạt, cơ quan quản lý sẽ tính điểm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi. Khi bị mất toàn bộ số điểm, trở về bằng 0 thì GPLX đó sẽ bị thu hồi và người muốn được cấp lại giấy phép sẽ phải thi lại hoặc thậm chí là học lại.