8 trường hợp Covid-19 tiên lượng nặng và nguy kịch
Sáng 1/9, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 8 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,1%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/8 trường hợp (2,0%). Số bệnh nhân tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào tăng lên 3 trường hợp (1,2%).
Ảnh minh họa
Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 34 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Hà Nội thêm ca mắc Covid-19
Tính đến 18h ngày 31/8, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 550 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng công bố ca bệnh nhân ở Hà Nội mắc Covid-19. Theo đó đây là bệnh nhân nữ 29 tuổi, có địa chỉ tại Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ngày 28/8, bệnh nhân từ Ấn Độ về Sân bay Nội Bài trên chuyến bay 6E8679, được cách ly ngay sau nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện cả bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ảnh minh họa
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới các đơn vị của TP.Hà Nội tiếp tục hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND TP.
>>>Xem thêm: Xuất hiện khu du lịch 'Tử Cấm Thành' phiên bản Việt ở Đà Lạt gây xôn xao
Tiếp tục tuyên truyền cho người dân, đặc biệt nhấn mạnh mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ xuất hiện ca mới rất cao, dịch có thể bùng phát trở lại, người dân không nên chủ quan lơ là, chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
Cần thực hiện các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cọng và trên các phương tiện giao thông công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh, trường hợp xuất hiện ca mắc thì các quy trình phòng chống dịch phải được kích hoạt ngay lập tức để triển khai kịp thời việc khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Thời tiết ngày 2/9: Miền Bắc và miền Trung nắng nóng gay gắt
Theo Trung tâm Dự báo Thủy văn Trung ương, gày hôm nay (01/9), do ảnh hưởng của trường phân kỳ trên cao, ở các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16 giờ.
Cảnh báo: Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 3-4/9.
Đối với ngày lễ 2/9, các tỉnh Bắc Bộ ngày sẽ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C. Đêm không mưa.
Các tỉnh Trung Bộ ngày nắng, có nơi có nắng nóng, riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ có nắng nóng diện rộng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, riêng các tỉnh Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác. Nhiệt độ cao nhất ngày từ 33-36 độ C, riêng Bắc Trung Bộ 34-37 độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ thời tiết phổ biến sáng nắng, chiều và tối có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Nhiệt độ cao nhất ngày ở Tây Nguyên từ 27-30 độ C, Nam Bộ từ 29-32 độ C.
Tiết lộ nguồn gốc các tượng lính giống lính Tần Thuỷ Hoàng
Ngày 31/8, ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định: Những bức tượng này trước đây do ông thuê thợ đúc, sơn phết để sử dụng trong Khu du lịch Đại Nam, sau này do không sử dụng đến nên một số bạn bè xin và ông đã cho. Số còn lại ông bán thanh lý với giá chỉ 1 triệu đồng/ tượng cho ông Ngô Quang Phúc - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại Đà Lạt).
Nguồn gốc các tượng lính giống lính Tần Thuỷ Hoàng được tiết lộ.
Ông Dũng cũng giải thích rằng những hình ảnh đều cho thấy đây thực sự là người lính hồi xưa mặc áo giáp. Mặt khác do những người lính trước đây đều sử dụng cung tên nên phía trước có tam khuyên, phía trên tam khuyên có biểu tượng của hoa văn chim lạc in nổi, tương tự như trên trống đồng Đông Sơn mang truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ông chủ Đại Nam cho rằng việc một số ý kiến cho rằng đây là tượng đất mô phỏng tượng quân lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng là hoàn toàn không đúng, sai vấn đề.
Trước đó, ông Ngô Quang Phúc - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại Đà Lạt) cho biết, ông khá mệt mỏi đối với những thông tin sai lệch mà mạng xã hội đã cho rằng tượng mang từ Trung Quốc về.
Ông Phúc cho rằng trước đây ông có dịp tham quan khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) và thấy đẹp nhưng để vậy hoang phí quá nên ông mua về để du khách tham quan.