Ca thứ 28 mắc Covid-19 không qua khỏi, bệnh nhân 36 tuổi
Sáng 26/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp không qua khỏi của bệnh nhân COVID-19.
Đây là ca mắc COVID-19 không qua khỏi thứ 28 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam, cụ thể như sau:
Bệnh nhân 758 (BN 758): Bệnh nhân nam 36 tuổi, địa chỉ: Đông Phú, Quế Sơn, Quảng Nam. Tiền sử: Bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thẩm phân phúc mạc 12 năm, suy tim, tăng huyết áp.
Tối ngày 25/8, bệnh nhân qua đời tại Trung tâm y tế Hòa Vang được chẩn đoán: Viêm phổi do COVID-19, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim, thẩm phân phúc mạc.
Đợt nắng nóng đang diễn ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn kéo dài đến hết tháng 8
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm qua (25/8), ở phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày từ 35-36 độ C, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ C.
Sang đến hôm nay (26/8), nắng nóng tiếp diễn tại phía Đông Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên chịu ảnh hưởng kết hợp với hiệu ứng phơn nên có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 55-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-16 giờ.
Riêng tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, thời tiết phổ biến ngày có nắng, có nơi nắng nóng, tuy nhiên từ chiều tối đến đêm khả năng mưa rào và dông xảy ra cao. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh như: Hòa Bình, Bắc Kạn, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng…
>>>Xem thêm: Tin tức thời sự 24h: Xuất hiện ổ dịch thứ 2, Tin mới về bệnh nhân mang rắn hổ mang chúa đến bệnh viện cấp cứu
Ngày hôm nay (26/8), chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, đợt nắng nóng này ở phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 28/8.
Thông tin mới nhất về sức khỏe của người bị rắn hổ mang chúa cắn
Chiều 25/8, thông tin từ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân P.V.T (38 tuổi, nạn nhân bị rắn hổ mang chúa cắn) đã khá hơn. X-Quang phổi được cải thiện, mạch, huyết áp ổn định. Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc đã cải thiện, vết thương ở đùi không lan thêm. Bệnh nhân tỉnh táo, sức cơ khá.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Lý Minh Duy (Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, vết thương ở đùi của bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình phẫu thuật, cắt lọc phần mô chết. Hiện tại, bệnh nhân vẫn còn thở máy, tổn thương thận, đang được lọc máu liên tục và phải dùng kháng sinh để điều trị tình trạng nhiễm trùng.
“Trong thời gian tới, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thở máy, lọc máu và điều trị bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng vết thương ở đùi của bệnh nhân, có khả năng phải cắt lọc phần mô chết thêm nhiều lần nữa và sẽ tiến hành ghép da khi vết thương ổn định”, bác sĩ CK1 Nguyễn Lý Minh Duy thông tin.
Trước đó, do vết thương chuyển nặng, bệnh nhân bị tổn thương cơ tim do nọc độc tấn công, vết thương phù nề và hoại tử nên được chuyển từ Khoa Bệnh Nhiệt đới sang Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị.
Sáng 19/8, anh T. khi đang làm vườn ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang chúa.
Khi anh T. đuổi theo bắt và bị rắn cắn vào đùi bên phải. Nạn nhân được người dân chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu, con rắn vẫn còn sống và quấn quanh khuỷu tay anh T. Bệnh nhân sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.
Hạn cuối để người ngoại tỉnh đăng ký rời Đà Nẵng
Tối 25/8, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng ra văn bản thông báo thời gian dừng tiếp nhận thông tin đăng ký nhu cầu từ Đà Nẵng về nơi cư trú.
Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, ngày 21/8 vừa qua sở này đã có công văn gửi UBND các quận huyện, phường xã cùng các đơn vị liên quan về việc tiếp tục tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân ngoại tỉnh có nhu cầu từ Đà Nẵng đi đến các tỉnh, TP.
“Đối với những người đã đăng ký thông tin rời khỏi Đà Nẵng thì không phải đăng ký lại. Thời hạn cuối cùng để tiếp nhận đăng ký là 17h ngày 27/8” - Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thông báo.
Cũng trong ngày 25/8, UBND TP.Đà Nẵng có công văn gửi UBND TP.HCM và UBND TP.Hà Nội đề nghị hai địa phương này phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân đang ở Đà Nẵng được quay trở lại địa phương.
Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng cũng có công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 200 học sinh, sinh viên tỉnh này được trở lại trường học tập.
>>>Xem thêm: Tin tức thời sự 24h: Oi nóng xuất hiện diện rộng, Tin mới về dịch Covid-19
Bệnh nhân 416 tiên lượng nặng hơn nam phi công người Anh
Ngày 6/8, bệnh nhân này được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Hiện người đàn ông 57 tuổi đã có 31 ngày chạy ECMO.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy đang tăng cường cho Đà Nẵng) cho biết, trong quá trình điều trị, hôm 18/8, bệnh nhân chuyển âm tính một lần với SARS-CoV-2. Nhưng trong thời gian 20-24/8, bệnh nhân lại dương tính 3 lần. Từ hôm qua, 24/8, bệnh nhân được dùng thêm hai loại thuốc được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ra để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.
Hiện bệnh nhân này còn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở. Đánh giá trên siêu âm phổi cho thấy đông đặc phổi của bệnh nhân còn nhiều và có tình trạng xơ phổi. “Xquang phổi của bệnh nhân rất xấu", bác sĩ Linh, người từng điều trị thành công cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) cho biết.
Tiên lượng lâu dài, quá trình điều trị của bệnh nhân còn rất nhiều khó khăn phía trước, khả năng cai ECMO của bệnh nhân 416 khó, nguy cơ tử vong rất cao..
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nơi điều trị nam phi công người Anh nhận định, tình trạng bệnh nhân 416 còn nặng hơn, khó hơn bệnh nhân 91 - người từng có thời gian điều trị kỷ lục tại Việt Nam, cũng từng tiên lượng tử vong cao nhưng sau đó hồi phục kỳ diệu và trở về nước.
"Điểm khác biệt là bệnh nhân 91 không có bệnh nền nhiều như bệnh nhân 416. Bệnh nhân 416 vẫn dương tính SARS-CoV-2 sau hơn 1 tháng điều trị. Các thay đổi về thông số không đáp ứng, bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, hình ảnh Xquang phổi của bệnh nhân cho thấy đã xơ phổi, không còn là phổi đông đặc có khả năng hồi phục", bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Hiện các bác sĩ cũng đưa ra phương án, chờ bệnh nhân sạch hoàn toàn SARS-CoV-2, đánh giá thể tích, chức phổi, cùng các điều kiện khác để tính toán khả năng ghé phổi.