"Việc mở rộng thêm phố đi bộ sẽ làm tăng quy mô và không gian công cộng cho cư dân thủ đô. Do vậy, song song với việc cơ quan chức năng giải quyết lần lượt những bất cập còn tồn tại thì người dân cũng cần phải tự thay đổi mình để phù hợp với xu hướng phát triển chung" - Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng nêu quan điểm.
2 tuần sau khi thành phố Hà Nội thí điểm không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận, bước đầu đã xuất hiện ý kiến phản ánh những bất cập nảy sinh đối với người dân sống và kinh doanh tại các tuyến phố trong không gian này. Điển hình như việc một số hộ kinh doanh bị mất khách hàng, người quen ngại đến chơi vì phải gửi xe để đi bộ một đoạn khá xa, xe đám cưới phải dừng ngoài rào bảo vệ... Cũng theo luồng ý kiến này thì không chỉ người dân khu phố cổ bị ảnh hưởng mà người tham gia giao thông tại các tuyến phố lân cận cũng gặp nhiều khó khăn vì ùn tắc kéo dài.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác lại ủng hộ việc thành phố mở không gian đi bộ Hồ Gươm. Cụ thể, độc giả Hiền Còi cho biết: "Tôi ở phố cổ và hiện tại chưa thấy có bất tiện gì. Buổi sáng đi dạo quanh Hồ Gươm, không khí trong lành, không khói bụi, cảm giác vô cùng dễ chịu. Buổi tối, xem các bạn trẻ nhảy dây, chơi ô ăn quan, cà kheo, biểu diễn nghệ thuật, ai cũng cảm thấy vui vẻ..."
Bày tỏ sự cảm thông với những bất tiện của cư dân phố cổ, bạn đọc Nicolai Nguyễn bình luận: "Cuộc sống của một số cư dân có thể bị đảo lộn nhẹ, nhưng vì một Hà Nội văn minh, chúng ta nên khuyến khích mở rộng những khu vực này. Hy vọng mọi người chấp nhận một số khó chịu ban đầu vì mọi thứ rồi sẽ dần thành thói quen!".
Nhiều ý kiến bạn đọc ủng hộ việc mở rộng không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. |
Đồng quan điểm với Nicolai Nguyễn, bạn đọc Nguyen Viet bày tỏ: "Tôi ủng hộ không gian đi bộ Hồ Gươm. Những bất cập chỉ là khó khăn bước đầu khi mọi việc vẫn còn bỡ ngỡ. Còn về lâu dài, không gian đi bộ sẽ giúp không khí quanh khu vực bờ hồ trong lành hơn, người dân lại có thêm không gian công cộng để vui chơi giải trí, sinh hoạt lành mạnh. Đó chẳng phải là điều nên khuyến khích hay sao!"
Theo chia sẻ của Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc A1, thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc của cư dân ở khu vực thuộc không gian đi bộ Hồ Gươm là điều không hề dễ dàng. Và để làm được điều đó, cần có khoảng thời gian và quy hoạch chi tiết, rõ ràng. Xét về lâu dài thì thói quen sinh hoạt của người dân sẽ dần thích ứng được với mô hình kinh doanh mới, cũng sẽ giống như thời điểm trước đây khi mới bắt đầu triển khai phố đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng nêu rõ, về bản chất, Hồ Gươm vốn dĩ là một không gian công cộng. Do đó, việc mở rộng thêm phố đi bộ sẽ làm tăng quy mô và không gian công cộng cho người dân. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cư dân thành phố; tuy nhiên, xem xét đến vấn đề giao thông lân cận thì rõ ràng quy hoạchcòn chưa đáp ứng được với quy mô hiện tại. Không gian Hồ Gươm nằm trong lòng phố cổ, các đường lân cận cố định không thể "nở" ra thêm được nên cần có quy hoạch nghiên cứu cụ thể, trong đó có vấn đề gây bức thiết nhất là giao thông và điểm gửi xe cho người dân. Còn những tồn tại khác như việc đảo lộn sinh hoạt của người dân nơi đây - tuy sẽ mất khá nhiều thời gian để dần khắc phục nhưng vẫn có thể dần điều chỉnh được.
"Trên thực thế, thí điểm một chương trình mới, một kế hoạch mới bao giờ cũng làm nảy sinh những ý kiến trái chiều hoặc gây bất cập tới một nhóm người nào đó. Trong trường hợp này, điều quan trọng là UBND thành phố cần nghiên cứu làm sao để vừa có thể duy trì được phố đi bộ về lâu dài, vừa đảm bảo được về văn hoa tinh thần và đời sống của các hộ dân trong khu vực. Cùng với đó, người dân cũng nên tìm cách thích nghi và nhạy bén hơn nếu có thể. Đôi khi, nên coi những bất cập và khó khăn đó chính là cơ hội để kinh doanh, làm kinh tế. Những thay đổi bước đầu bao giờ cũng có khó khăn, do vậy, song song với việc cơ quan chức năng giải quyết lần lượt những bất cập còn tồn tại thì người dân cũng cần phải tự thay đổi mình để phù hợp với xu hướng phát triển chung" - Kiến trúc sư nhận định.
Vũ Đậu