Nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ là việc thúc đẩy dịch vụ, du lịch trên địa bàn, mà quan trọng hơn là thêm không gian khám phá Thủ đô văn hiến.
Trước thông tin nhiều tuyến phố khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận được thí điểm thành không gian đi bộ từ ngày 1/9, người dân cũng như du khách thể hiện sự đồng tình cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ là việc thúc đẩy dịch vụ, du lịch trên địa bàn, mà quan trọng hơn là thêm không gian khám phá Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Phố Đinh Tiên Hoàng sẽ là tuyến phố đi bộ từ 1/9. Ảnh: VOV |
Đồng tình, là cảm nhận chung của nhiều người dân cũng như khách du lịch khi biết được thông tin ngành, chức năng thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm không gian đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Bởi, khám phá, tìm hiểu về hồ Gươm, Tháp Rùa - di tích Quốc gia đặc biệt luôn là điều hấp dẫn.
Theo đó, từ 19h ngày thứ sáu đến 24h chủ nhật hàng tuần, không gian nhiều tuyến phố khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận như phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền sẽ là không gian đi bộ cho người dân và du khách về Hà Nội.
Anh Trần Tuấn Lâm, sống tại phố Đinh Tiên Hoàng nói:Qua thông tin tôi được biết, tôi rất ủng hộ việc UBND thành phố Hà Nội mở rộng không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.
Việc tổ chức đi bộ vào cuối tuần tạo điều kiện cho người dân khám phá các khu phố hơn là việc ngồi trên xe ô tô hay xe máy. Mở thêm không gian đi bộ cũng giúp khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế có cơ hội khám phá rõ hơn về văn hóa Hà Nội cũng như Việt Nam
Trước đó, qua khảo sát, hoạt động của tuyến phố đi bộ như Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ… số lượng du khách đến tham quan và mua sắm rất đông.
Ý kiến của không ít người dân cho rằng, không gian đi bộ như là phần tất yếu của phố cổ Hà Nội, đặc trưng riêng mà không phải thành phố nào cũng có được. Do vậy, việc nhân rộng các tuyến phố đi bộ, đặc biệt là khu vực hồ Hoàn Kiếm rất cần thiết. Không chỉ tạo thêm không gian đi bộ, mà còn quảng bá được các giá trị về hồ Hồ Gươm, Tháp Rùa, khai thác ưu thế trong phát triển du lịch, dịch vụ. Dự kiến, ngành chức năng sẽ triển khai một số quầy bán hàng di động, với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm như phố Đinh Lễ, Lê Lai, Lê Thạch tạo điều kiện cho người dân, du khách mua sắm.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, việc tổ chức không gian đi bộ là một trong những mục tiêu và giải pháp để phát huy giá trị di sản của quần thể khu di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Đồng thời phục vụ cho mục tiêu của cộng đồng dân cư trên địa bàn quận và người dân Thủ đô có không gian giao tiếp cộng đồng cũng như các hoạt động văn hóa thể thao”.
Người dân và du khách thêm cơ hội khám phá hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: VOV |
Để đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cho người dân tham gia phố đi bộ, các cơ quan chức năng thành phố bố trí các chốt trực, phân luồng giao thông, cấm phương tiện. Thực hiện các chốt cấm đường và tổ chức phân luồng giao thông từ xa.
Sở Giao thông Hà Nội cũng đã lên phương án bố trí các biển báo chỉ dẫn và trung chuyển phục vụ du khách và nhân dân đến đi bộ, tham quan du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Đồng thời, tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm phục vụ tốt hoạt động tham quan, mua sắm trong khu vực đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.
Điểm mới tại các tuyến phố đi bộ mới này là sẽ có các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể thao, lễ hội; lắp đặt wifi miễn phí khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm…Tuy nhiên, qua thực tiễn tại các phố đi bộ trước đây như Hàng Đào, Mã Mây, Đồng Xuân… bãi gửi xe luôn là một trong những vấn đề ái ngại nhất đối với người dân, du khách khi tham gia phố đi bộ.
Bạn Cao Minh Trang, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói: “Có một điều bất cập, theo tôi nghĩ, giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ (thành phố Hồ Chí Minh) thì phải làm sao không để có tình trạng xe cộ đi lại hai bên đường. Hà Nội phải có thêm nhiều điểm gửi xe và có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Tôi mong các cơ quan chức năng xử lý tình trạng bán hàng rong và một số vấn đề phát sinh khác trong các tuyến phố đi bộ”.
Về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng đinh, quận Hoàn Kiếm và Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án bố trí các bãi trông, giữ xe phục vụ người dân một cách thuận tiện, và không có việc tùy tiện thu phí. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ có 78 điểm đỗ để trông giữ ô tô, xe đạp, xe máy với diện tích trên 17.000 m2 sức chứa hàng chục xe du lịch, xe chở khách; 600 xe ô tô con và gần 3.000 xe đạp, xe máy.