(Tinmoi.vn) Bỏ điểm sàn ĐH, CĐ là đề xuất của các trường ngoài công lập và được nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình.
Đa số các chuyên gia giáo dục đều đồng tình việc bỏ điểm sàn ĐH,CĐ
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng : “Cách tính điểm sàn hiện nay là không khoa học vì phổ điểm của 3 môn học trong một khối thi thường khác nhau nên không thể lấy làm điểm sàn chung được”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học, thâm chí có thể còn tuyển được những thí sinh giỏi, có trình độ.
Ông Nhĩ lấy ra ví dụ: “Thí sinh A dự thi vào ngành Toán học có điểm số 3 môn là Toán 9, Lý 1, Hóa 2 vẫn trượt đại học vì không đủ điểm sàn (13 điểm). Trong khi đó, thí sinh B cũng thi vào ngành Toán có điểm số lần lượt là Toán 2, Lý 9, Hóa 2 vẫn đỗ vào ngành Toán vì đủ điểm sàn (13 điểm). Tuy nhiên, nếu lựa chọn vào ngành Toán thì rõ ràng thí sinh A phải có trình độ tốt hơn thí sinh B. Nếu vẫn quy định điểm sàn thì các trường có nhiều khả năng bỏ lọt các thí sinh giỏi”.
PGS cũng nhấn mạnh: “Trong bản góp ý gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ kiến nghị 5 “bỏ”: bỏ điểm sàn, bỏ khối thi, bỏ cấm sử dụng chung kết quả, bỏ nộp đề án và bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH”.
GS Đặng Hữu - nguyên Trưởng ban Khoa giáo TƯ cho rằng Bộ nên xóa thi "ba chung", bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng.
Theo ông, cách tuyển sinh của ta không phù hợp. Theo luật giáo dục đại học, trường đại học phải được quyền tự chủ - tự chịu trách nhiệm trong tổ chức quá trình đào tạo, được quyền tự chủ tổ chức tuyển sinh.
Trong tình hình hiện nay kết quả thi tốt nghiệp phổ thông chưa đáng tin cậy, các trường chưa có điều kiện tổ chức thi tuyển sinh riêng, thì việc Bộ GD tổ chức thi chung là cần thiết để các trường có thêm một tiêu chí để xét tuyển, nhưng không nên qui định điểm sàn, vì nó đã gây ra hậu quả nặng nề như ta đã thấy.
Ông Vũ Duy Chu (Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Đông Á) cũng cho rằng, kỳ tuyển sinh đại học hiện nay đã quá lạc hậu, bởi cách làm của Bộ bấy lâu nay vẫn duy trì một cơ chế “xin - cho”. Theo quan điểm của ông Chu, Bộ GD-ĐT hãy cho các trường được tự chủ hoàn toàn, chấm dứt quy định trình đề án. Ông khẳng định: “Chúng tôi không cần ba chung của Bộ, Bộ cứ để cho chúng tôi tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi sẽ biết cách tuyển như thế nào”.
Lê Vy (tổng hợp)