Bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật cách đây gần 6 năm.
Thế nhưng UBND TP.HCM vẫn ra một quyết định (cũng đã có hiệu lực pháp luật) làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án đã tuyên nói trên. Như vậy, có thể nói UBND TP.HCM đã “sửa” bản án, mặc dù theo quy định của pháp luật thì việc xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật phải theo thủ tục tái thẩm thuộc thẩm quyền của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
Ông Dương Thế Xương năm nay 86 tuổi (hiện cư ngụ tại số 712, Kha Vạn Cân, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM), đang mang những căn bệnh hiểm nghèo, mọi hoạt động và sinh hoạt của ông đều chỉ trên chiếc giường nhỏ. Ông đang lo ngày chết sẽ không có chỗ làm đám tang, vì mảnh đất ông đang ở có thể bị cơ quan thi hành án thu hồi để giao cho người khác bất cứ lúc nào, dù mảnh đất ấy là của ông và vợ là bà Lâm Thị Hẹ (đã mất năm 1995) gây dựng từ hơn 50 năm qua.
Khu nhà đất tọa lạc tại địa chỉ số 712, Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức.
Theo hồ sơ, thửa đất tranh chấp nói trên có diện tích 1.457m2 do cha của ông Trần Văn Ráng (chết năm 1960) đứng tên. Năm 1962 ông Ráng đã cho vợ chồng ông Xương thuê 360m2 để làm nhà ở. Phần còn lại do ông Xương mua và sang nhượng lại từ 2 người khác. Vợ chồng ông Xương đã làm nhà ở, trồng cây và kinh doanh vườn cây cảnh ổn định đến nay.
Đến năm 1993, ông Ráng làm đơn khiếu nại đòi lại phần đất ông Xương đang sử dụng, TAND huyện Thủ Đức (cũ) đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên xử: Giao ông Xương sử dụng 797m2, giao cho ông Ráng sử dụng 660m2. Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình ông Xương kháng cáo. Ngày 26/1/1994, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 293/QĐ-UB-NN, với nội dung: “Bác đơn khiếu nại đòi lại đất của ông Trần Văn Ráng, cho phép ông Dương Thế Xương được tiếp tục sử dụng phần đất 1.457m2 đất theo nguyên trạng”. Năm 2006, UBND quận Thủ Đức đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Xương. Gia đình ông Ráng tiếp tục khiếu nại.
Năm 2007, gia đình ông Xương xảy ra tranh chấp nội bộ trong việc chia tài sản chung và thừa kế do bà Lâm Thị Hẹ, vợ ông Xương đã mất năm 1995 nhưng không để lại di chúc. Vụ việc được khởi kiện tại tòa án, nguyên đơn là ông Dương Thế Xương, bị đơn là bà Dương Thị Bích Vân, con ruột ông Xương.
Bản án phúc thẩm số 188/2009/DSPT ngày 2, 3/7/2009 của TAND TC tại TP.HCM đã tuyên: “Công nhận toàn bộ nhà đất tọa lạc tại số 712, Kha Vạn Cân là tài sản chung của ông Dương Thế Xương và bà Lâm Thị Hẹ. Trong đó, ½ là tài sản của ông Xương, ½ là di sản của bà Hẹ. Di sản của bà Hẹ được chia cho 10 thừa kế và một phần công sức của bà Vân bằng 1 suất thừa kế. Chia cho ông Xương phần đất có diện tích gần 800m2…”. Đương nhiên là bản án có hiệu lực pháp luật và mặc dù việc thi hành bản án chẳng có gì phức tạp nhưng trong 6 năm qua Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vẫn không thi hành xong..
Bất ngờ, sau 20 năm kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại tranh chấp giữa ông Trần Văn Ráng và ông Dương Thế Xương, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 4988/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 điều chỉnh, sửa đổi Quyết định số 293/QĐ-UB-NN ngày 26/1/1994. Theo quyết định đó thì gia đình ông Trần Văn Ráng (do bà Nguyễn Thị Nga đại diện) từ chỗ bị bác đơn, nay lại được công nhận cho sử dụng phần đất diện tích 630m2 trong thửa đất 1.475m2 đã nói ở trên. Quyết định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Như vậy, cho đến thời điểm này, có hai quyết định có hiệu lực song song tồn tại về một thửa đất tại số 712, Kha Vạn Cân là: 1. Quyết định của Tòa phúc phẩm TAND TC là chia thửa đất cho ông Dương Thế Xương và 10 thừa kế, Quyết định của UBND TP.HCM là chia cho ông Trần Văn Ráng và gia đình ông Dương Thế Xương. Điều nực cười là ai cũng nhận thấy là hai quyết định này hoàn toàn “tréo ngoe” với nhau:
UBND Quận Thủ Đức đã không thể thể thực hiện quyết định của cấp trên (Quyết định số 4988/QĐ-UBND của UBND TP.HCM), vì đang có bản án của tòa phúc thẩm. Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng phải tạm ngừng thi hành bản án của Tòa phúc phẩm TAND TC vì UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 4988/QĐ-UBND.
UBND TP.HCM ra Quyết định số 4988/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định số 293/QĐ-UB-NN là từ kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Nga, đại diện cho ông Trần Văn Ráng. Trong các công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi UBND TP.HCM thể hiện Bộ này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP.HCM ban hành quyết định sửa đổi nói trên và kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao tái thẩm Bản án phúc thẩm số 188/2009/DSPT. Lý do kiến nghị tái thẩm là vì có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án.
Vậy quyết định sửa đổi của UBND TP.HCM có phải là tình tiết mới? Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định, một trong những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Theo quy định đó và từ thực tế các vụ án được tái thẩm thì rất dễ để nhận ra rằng, tình tiết mới là tình tiết đã tồn tại trước khi tòa án ra bản án, quyết định nhưng các đương sự không thể biết. Ở đây, Quyết định số 4988/QĐ-UBND dược ban hành sau hơn 5 năm kể từ ngày Bản án 188/2009/DSPT có hiệu lực pháp luật thì không thể coi là tình tiết mới!.
Cụ Xương, 86 tuổi, mong có phán quyết công bằng
Được biết rằng, UBND TP.HCM đã họp bàn với các ban ngành chức năng và UBND quận Thủ Đức về kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đại diện các ban ngành đã cảm thấy không ổn nếu UBND TP.HCM ra quyết định sửa đổi vì nếu vậy sẽ bị phía ông Dương Thế Xương khởi kiện hành chính quyết định mới. Thế nhưng sau đó quyết định vẫn được ban hành và hiện tại đã phát sinh ra nhiều rắc rối!
Hiện gia đình Ông Dương Thế Xương đã có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi các cấp có thẩm quyền. Liệu những tiếng kêu cứu sẽ thấu đến đâu và vụ việc sẽ được giải quyết thế nào cho “thấu tình đạt lý”, đúng với quy định của pháp luật? Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền tải những thông tin mới về vụ việc này.