Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta bị đau đầu vào mùa đông. Một trong những nguyên nhân phổ biến là đau đầu do lạnh. Để tránh loại đau đầu này, những người lớn tuổi thường được khuyên đội mũ trùm đầu vào mùa đông để tránh tiếp xúc với Không khí lạnh.
Ngoài ra, một số yếu tố khác như mất nước, thay đổi thói quen ngủ và chế độ ăn uống vào mùa đông có thể gây đau đầu. Nhiệt độ giảm cũng có thể làm chứng đau đầu trầm trọng hơn do áp suất khí quyển tăng và thời gian có nắng giảm.
Tiến sĩ Neetu Ramrakhiani, Trưởng khoa Thần kinh tại Bệnh viện Fortis Escorts, Jaipur (Ấn Độ), cho biết: "Gió khô lạnh, mất nước, thay đổi thói quen ngủ và lựa chọn những món ăn dễ chịu như súp thường chứa bột ngọt đôi khi có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu mùa đông".
Một loại đau đầu khác được biết là trở nên trầm trọng hơn trong mùa đông, xảy ra vào những thời điểm cụ thể trong mùa được gọi là "đau đầu theo cụm". Chúng xảy ra chủ yếu trong tháng 12 và tháng 1. Bên cạnh đó, đau đầu cũng dễ xảy ra do thông gió kém vì vào mùa đông, mọi người thường đóng cửa sổ và bật máy sưởi.
"Phấn hoa gia tăng phổ biến hơn vào mùa đông, dễ gây viêm mũi dị ứng và đau đầu. Ngộ độc khí carbon monoxide do máy sưởi trong phòng và cửa sổ đóng kín ngăn không cho thông gió tốt cũng là nguyên nhân gây đau đầu", Tiến sĩ Manjusha Agarwal, chuyên gia tư vấn cấp cao Nội khoa tại Bệnh viện Toàn cầu, Mumbai (Ấn Độ), cho biết.
Mọi người đôi khi bị đau đầu do căng thẳng vì ánh sáng ban ngày giảm. Thời gian ban ngày giảm cũng dễ khiến tâm trạng buồn bã, làm gia tăng các cơn đau đầu do căng thẳng.
Ngoài ra, những cơn đau đầu khi trời lạnh có thể xảy ra do nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày hoặc đêm hay thời tiết nóng – lạnh thất thường lúc giao mùa. Những ngày âm u, mưa phùn gió bấc cũng dễ khiến bạn nhức đầu mùa lạnh. Bạn có thể phải chịu những cơn đau đầu từ nhẹ đến đau dữ dội, kéo dài hoặc cũng có thể giảm ngay khi bạn giữ đủ ấm, tránh gió lạnh ngoài trời.
Triệu chứng đau đầu khi trời lạnh cũng thường xảy ra khi bạn mắc chứng đau nửa đầu Migraine (còn gọi là đau đầu vận mạch), một loại bệnh Lý Thần kinh phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới. Nguyên nhân đau nửa đầu Migraine là do rối loạn co bóp mạch máu não và chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Cơn đau nửa đầu Migraine cũng có thể khởi phát hoặc tăng nặng hơn trong thời tiết lạnh. Người bệnh có thể đau nửa đầu kéo dài vài giờ cho đến vài ngày, đau một bên hoặc đau lần lượt từ bên này sang bên kia, thường kèm theo sợ ánh sáng, đau tăng khi vận động.
Cách xử trí cơn đau đầu khi trời lạnh:
– Khi bị đau đầu tốt nhất cần ngừng làm việc, tìm chỗ nghỉ ngơi, nằm thư giãn với tư thế chân nâng cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn.
– Một số phương pháp dân gian, xoa bóp bấm huyệt cũng giúp làm giảm cơn đau đầu rất hiệu quả. Bạn có thể bấm mạnh vào điểm giữa hai lông mày, day thành những vòng tròn nhỏ. Hoặc đặt hai ngón trỏ vào góc ngoài của đuôi mắt vuốt ngược lên, rồi đặt hai ngón tay trỏ lên huyệt thái dương tiếp tục day thành vòng tròn.
– Xoa bóp cổ, gáy rất có ích trong việc giảm co rút cơ vùng vai, gáy gây đau đầu.
– Uống trà gừng, ngâm tay chân trong nước ấm cũng làm dịu cơn đau đầu.
– Hoặc dùng khăn bông nhỏ nhúng dấm trắng rồi vắt nhẹ, đắp lên trán, nhắm mắt thư giãn 15 phút.
– Có thể đốt nến có tinh dầu bạc hà, oải hương trong phòng.
Lưu ý: không phải cứ đau đầu là uống thuốc giảm đau ngay. Việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể dẫn tới hội chứng hồi ngược. Sau một thời gian uống thuốc thì triệu chứng đau đầu tái phát và khó điều trị hơn, chưa kể gặp các tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, thận… Do đó bệnh nhân chỉ nên uống thuốc giảm đau theo y lệnh và uống đúng hướng dẫn sử dụng.
Nếu đã áp dụng các phương pháp nêu trên nhưng khôn hiệu quả, người bệnh nên nhanh chóng tới bệnh viện để khám và điều trị theo tư vấn của bác sĩ.
Cách phòng chống đau đầu khi trời lạnh:
– Theo dõi Dự báo thời tiết hàng ngày để giữ gìn sức khỏe.
– Mặc ấm, đội mũ, quàng khăn che phần trán, đỉnh đầu, hai bên tai và cổ khi đi ra ngoài vào mùa lạnh.
– Uống đủ nước, lập thời gian sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi điều độ.
– Đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
– Thường xuyên tập thể dục, thể thao (dạo bộ, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, thiền, yoga…) thư giãn (ngâm mình trong bồn nước ấm) để hạn chế những kích thích gây đau đầu, có được giấc ngủ sâu (bởi thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu… cũng làm mạch máu giãn ra, kích thích dây thần kinh, gây đau đầu, đau nửa đầu).
– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
Tốt nhất khi bị đau đầu người bệnh nên đi thăm khám để được thăm khám và tư vấn cụ thể.