Béo phì là tình trạng đáng ngại đang ngày càng gia tăng phổ biến trong những năm gần đây. Tình trạng béo phì đã gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Nếu năm 1975 khi thế giới có 13% người lớn bị béo phì thì con số này đã tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian gần đây.
Tuy nhiên tin vui là trên bảng xếp hạng thế giới, Việt Nam vẫn có tổng số người béo phì (tính trên tổng dân số) ở mức thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện đang có 1,9 tỷ người trên khắp thế giới đang ở trong tình trạng thừa cân, trong đó bao gồm 650 triệu người bị béo phì.
Cũng theo WHO, đảo quốc Nauru hiện đang có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới với 61%. Nguyên nhân chính được cho là đến từ chính chế độ ăn uống của người dân nơi đây khi các món chủ yếu là mì, gạo và soda. Bên cạnh đó, việc nền kinh tế bị suy thoái cũng khiến cho mọi người khó tiếp cận với các loại thực phẩm lành mạnh hơn.
Đáng mừng khi Việt Nam có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Chỉ 2,1% dân số nước ta bị béo phì. Theo báo cáo của Fitch Solutions Macro Research thì dù tỷ lệ béo phì ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới nhưng số người béo phì lại tăng nhanh nhất trong 5 năm trở lại đây. Với mức tăng lên đến 38%, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về gia tăng lượng người béo phì, theo sau là Indonesia với 33%.
Thêm vào đó, Việt Nam lại đang có một lượng lớn công dân ở trong tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu cân. Việt Nam đang tìm cách giảm số người béo phì nhưng cũng tìm cách để giảm số người bị suy dinh dưỡng.
Để duy trì chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý, điều cần chú ý nhất là thực đơn hàng ngày. Vì bận rộn với cuộc sống hiện đại, nhiều người vô tình nạp vào người loại thức ăn chứa nhiều chất béo có thể gây tăng cân. Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng xấu với sức khỏe.