Vào tháng 12, Việt Nam chưa bao giờ phải hứng chịu một cơn bão cường độ mạnh với tốc độ di chuyển nhanh như cơn bão số 16.
Theo tin tức từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Tembin sắp chuẩn bị đi vào Biển Đông.
Hồi 10 giờ ngày 23/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippin) khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 170km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm, như vậy khoảng đêm nay (23/12), bão Tembin sẽ vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông. Đến 10 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 230km tính từ vùng tâm bão.Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 110km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 300-400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 230km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 120km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h).
Được biết, lần đầu tiên những người làm công tác phòng chống bão phải đặt tên cho một cơn bão tới tận số 16. Vì từ trước tới nay, năm nhiều nhất cũng chỉ tới cơn bão số 15.
Trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin, một đại diện của trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: "Trước đây thời kỳ mưa bão thường tập trung vào tháng 7, tháng 8 , rơi rớt tới tháng 9, tháng 10 cùng lắm là tháng 11. Nhưng năm nay, tới tháng 12 vẫn có bão. Mà có tới tận 2 cơn. Điều này là chưa từng có trong lịch sử.
Từ năm 1969, Việt Nam mới có một cơn bão đi vào Biển Đông vào tháng 12, nhưng năm đó cũng chí có 1 cơn. Năm nay là năm kỷ lục về số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông.
Cơn bão tháng 12 với cường độ mạnh đổ bộ vào đất liền vào cuối mùa là cực kỳ hiếm".
Miền Nam hiếm khi gặp bão nên những người làm công tác dự báo lo lắng bà con nơi đây sẽ lơ là. Bên cạnh đó, bão số 16 đi vào Biển Đông và đổ bộ vào đất liền đúng vào thời điểm dịp lễ Noel. Dịp này người dân có thể đi lễ nhà thờ, đi vui chơi mà không chú ý tới việc phòng, chống bão.
Con bão này tăng cấp nhanh và di chuyển cũng khá nhanh (20-25km/giờ). Vì thế, vị đại diện trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng, để đảm bảo tài sản và tính mạng, người dân nên chủ động ngừng các hoạt động trên biển, di chuyển tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
Bão số 16 cũng sẽ khiến triều cường dâng cao, dễ gây ngập lụt. Vì thế, bà con cần chú ý để có những biện pháp phòng chống bão hiệu quả, tránh gây thiệt hại về người và tài sản.
Hà Trang (tổng hợp)