Kênh đào Suez là một trong những tuyến giao thông thương mại lớn của thế giới, vì vậy sự cố của tàu Ever Given tải trọng hơn 200.000 tấn bị mắc cạn tại đây từ ngày 23/3 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Theo dữ liệu của Bloomberg, mỗi ngày có khoảng 50 chuyến vận tải đi qua dòng kênh này, vận chuyển khoảng 12% giá trị thương mại toàn cầu. Dòng thương mại trị giá 10 tỷ USD/ngày theo đó cũng bị đình trệ. Con số này tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.
Sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez kéo dài trong vòng một tuần có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 0,2-0,4%. Thống kê của hãng Kpler cho thấy khoảng 9,8 triệu thùng dầu - chiếm 1/10 lượng tiêu thụ toàn cầu - bị ùn ứ khi đi qua con kênh này.
Mặc dù gây thiệt hại nhiều như thế, tại sao vụ mắc kẹt này đến nay vẫn chưa thể giải cứu?
Theo Geoffrey Widdison - kỹ sư hóa có kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề, là một chuyên gia giải đáp trên diễn đàn Quora cho biết, cuộc giải cứu tốn kém và mất nhiều thời gian bởi con tàu Ever Given quá to.
Nếu là một chiếc bè mắc cạn, bạn có thể đẩy nó ra một cách dễ dàng chỉ bằng tay không. Nếu là một con tàu đánh cá, bạn sẽ cần một con tàu lớn hơn, với động cơ mạnh hơn để cứu nó. Nhưng Ever Given, nó là một siêu tàu hàng với kích cỡ khổng lồ.
Được biết, siêu tàu hàng Ever Given với hơn 20.000 container chuyên chở có khối lượng lên tới 220.000 tấn. Khi đầy hàng, trọng lượng của nó thậm chí còn vượt qua 1 tòa nhà chọc trời. Bản thân con tàu có kích cỡ tương đương với tòa nhà Empire State của Mỹ, còn chiều dài phải ngang ngửa tòa Landmark 81 của Việt Nam.
Vậy với một "tòa nhà" mắc cạn như thế này, muốn giải cứu nó, chúng ta sẽ cần rất nhiều công cụ đặc biệt, và việc chuyển chúng tới nơi, lắp đặt, triển khai... phải cần thời gian. Và trong trường hợp các công cụ ấy không có tác dụng, mọi chuyện sẽ còn phức tạp hơn thế rất nhiều.
"Việc dịch chuyển một thứ có kích cỡ lớn như vậy là cực kỳ khó khăn. Nếu may mắn, những con tàu hút bùn và động cơ của chính con tàu có thể tự cứu nó. Nhưng nếu không may, một kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng hơn là cần thiết", Widdison nhận định.
Theo CNBC, sau gần 1 tuần bị mắc kẹt tại kênh đào Suez, các đội cứu hộ đã giải phóng "một phần" con tàu Ever Given.
Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết, bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đến từ việc đội cứu hộ đã giải phóng được 27.000 m3 đất cát bám chặt 2 bên mạn tàu. Độ sâu đào vét lên tới hơn 18 m. Có 10 chiếc thuyền tham gia vào chiến dịch giải cứu. Nhờ đó, tàu Ever Given đã nổi "một phần" trên mặt nước.
Dù con tàu khổng lồ đã được thả nổi, chưa rõ lúc nào giới chức địa phương sẽ mở cửa trở lại kênh đào Suez. Việc tiếp tục hành trình của Ever Given cũng cần được cơ quan chức năng cho phép. Hiện các tàu cứu hộ vẫn đang làm việc để đảm bảo tàu Ever Given có thể di chuyển tự do trên kênh đào Suez.