Sau khi sinh con được 6 ngày, sản phụ Ngại đến bệnh viện kiểm tra thì các bác sỹ phát hiện nhau thai vẫn còn sót trong ổ bụng. Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, trường hợp này là sót nhau thai phụ.
Liên quan vụ việc gia đình sản phụ Nguyễn Thị Ngại (ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) "tố" bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Bình Điền tắc trách khiến một trong hai cháu bé sinh đôi tử vong, mới đây, 6 ngày sau khi sinh, trong lúc làm thủ tục thăm khám lại tại bệnh viện này, sản phụ lại bất ngờ được các bác sỹ thông báo là chị bị sót nhau thai và yêu cầu nhập viện để theo dõi.
Thông tin về trường hợp của chị Ngại, bác sỹ Trần Bắc - Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Bình Điền xác nhận, trường hợp sót nhau của sản phụ Ngại là sai sót khách quan, hiếm gặp. Trong trường hợp này, nhau thai bị sót là nhau phụ.
Trao đổi với phóng viên về trường hợp sót "nhau phụ" (Bs Trần Bắc - PV), bác sỹ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong thực tế, có một số trường hợp sản phụ có tới hai bánh nhau (còn gọi là bánh rau). Trong hai bánh rau này, có một bánh rau chính và một bánh rau phụ. So sánh về kích thước, bánh rau phụ chỉ bé bằng khoảng 1/10 bánh rau chính.
"Hiện tượng rau phụ vẫn có thể gặp ở những người một thai chứ không chỉ ở các trường hợp thai đôi, thai ba... Tuy nhiên, với những trường hợp thai đôi trở lên, xác suất gặp loại rau này phổ biến hơn" - Bác sỹ Ánh nói.
Người nhà sản phụ "tố" bác sỹ bệnh viện Bình Điền tắc trách khiến trẻ sơ sinh tử vong, sản phụ bị sót nhau thai. Ảnh: Đăng Khôi |
Theo bác sỹ Ánh, trong sản khoa, có một số trường hợp "rau cài răng lược" (rau bám quá chặt) hoặc thai lại làm tổ trong ổ bụng chứ không phải trong dạ con. Đối với những "ca" như thế này, người ta có thể tiến hành cắt bánh rau, cho thai ra trước, còn bánh rau vẫn để lại. Thời gian để bánh rau có khi kéo dài hàng tháng. Trong quá trình đó, sản phụ được bổ sung thêm thuốc chống nhiễm trùng.
"Trường hợp của sản phụ Ngại bị sót nhau trong 6 ngày nhưng chưa có dấu hiệu nhiễm trùng thì vẫn có thể xử lý được một cách bình thường" - bác sỹ Ánh cho biết thêm.
Trước đó, ngày 20/5, vào tháng thứ 7 của thai kỳ, chị Nguyễn Thị Ngại (ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) có dấu hiệu chuyển dạ nên được chồng là anh Nguyễn Tuấn Vũ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bình Điền để chờ sinh. 45 phút sau khi bé gái thứ nhất chào đời, bé gái thứ hai được sinh ra trong tình trạng đầu tím tái.
Lo lắng trước tình trạng sức khỏe của con, gia đình anh Vũ xin được chuyển hai cháu lên Bệnh viện TW Huế để điều trị nhưng các bác sỹ không đồng ý. Bác sỹ Bắc và bác sỹ Tuấn của bệnh viện Bình Điền yêu cầu để con của sản phụ Ngại tiếp tục điều trị tại đây.
Trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25/5, triệu chứng da bị vàng, thân tím tái của hai con anh Vũ ngày càng thể hiện rõ. Đến ngày 26/5, thấy hai cháu nhỏ thở gấp, gia đình yêu cầu bác sỹ kiểm tra lại thì bác sỹ nhìn qua rồi nói: "không sao".
Tuy nhiên, thấy tình trạng của con ngày càng bất ổn, anh Vũ tiếp tục yêu cầu được chuyển các cháu lên Bệnh viện TW Huế nhưng một bác sỹ đã từ chối với lý do: "Bệnh viện không có xe và cũng không có tài xế".
Trước sự khẩn khoản của gia đình, đến 21h cùng ngày, yêu cầu của anh Vũ mới được BV ĐK Bình Điền thực hiện.
Tại BV T.Ư Huế, các bác sĩ chẩn đoán cặp song sinh bị vàng da nhân, suy hô hấp và nhiễm trùng sơ sinh. Do được chuyển vào nhập viện chậm trễ, một trong hai cháu bé đã tử vong, cháu còn lại được chăm sóc trong lồng kính với tình trạng sức khỏe xấu.
Còn về sản phụ Ngại - mẹ của hai cháu bé, sau khi sinh được 6 ngày, hôm 26/5, chị tới Bệnh viện Bình Điền kiểm tra lại thì bất ngờ được thông báo bị sót nhau thai phụ và được yêu cầu nhập viện khẩn trương.
Bác sỹ Trần Bắc - PGĐ BV Đ.K Bình Điền, cho biết, đã nhận được thông báo của kíp trực thời điểm xảy ra sự việc “bằng miệng” nên chưa thể tiến hành cuộc họp. Lý do được ông Bắc đưa ra là do nhiều người bận đi học.
Vũ Đậu