Tin mới

Vụ bệnh viện trao nhầm trẻ sơ sinh: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ sáu, 11/03/2016, 19:36 (GMT+7)

Trong trường hợp bệnh viện trao nhầm trẻ sơ sinh là lỗi cố ý thì tùy theo tích chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Trong trường hợp bệnh viện trao nhầm trẻ sơ sinh là lỗi cố ý thì tùy theo tích chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Vụ trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao, trước đó tại Việt Nam cũng đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Dư luận đang đặt ra câu hỏi trong vụ việc này thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý, để trả lời câu hỏi trên trước hết phải xác định người nào là người có lỗi trong việc trao nhầm trẻ sơ sinh.

Sản phụ bị bệnh viện trao nhầm con ở Quảng Ngãi. Ảnh báo VnExpress 

Pháp luật hiện hành quy định khá cụ thể về việc xác định lỗi trong trách nhiệm dân sự. Theo đó lỗi trong trách nhiệm dân sự sẽ bao gồm: Lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trường hợp nếu việc trao nhầm trẻ sơ sinh là do lỗi vô ý thì đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại trong dân sự. Trường hợp nếu việc trao nhầm trẻ sơ sinh là lỗi cố ý thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Về dân sự, vấn đề lỗi được quy định tại Điều 308 Bộ luật Dân sự như sau:

Điều 308. Lỗi trong trách nhiệm dân sự.

1. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Về nguyên tắc, người nào gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây ra thiệt hại là người đang làm nhiệm vụ mà pháp nhân giao cho thì (ở đây là phía bệnh viên hay nhà hộ sinh) trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại thuộc về pháp nhân. Cụ thể Điều 618 BLDS hiện hành quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: 

"Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao, nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 619. Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ".

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm bồi thường thiệt hại về vật chất và trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Cụ thể theo Điều 307 Bộ luật dân sự hiện hành quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp nếu hành vi trao không đúng trẻ sơ sinh đó là được chứng minh là do lỗi cố ý của những người có trách nhiệm nhằm mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em thì sẽ bị xem xét xử lí hình sự theo điều 120 BLHS 1999 (SĐBS 2009 quy định về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em có khung hình phạt thấp nhất từ 3-10 năm tù và cao nhất từ 10 – 20 năm hoặc tù chung thân.

Chị Trang (bên phải)- người bị trao nhầm cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh Ba Đình. Ảnh báo Dân Trí 

Đối với vụ việc trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 42 năm (1974), tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (Hà Nội), LS Cường cho rằng, thời điểm năm 1974, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa thật sự hoàn thiện, lúc đó chưa có văn bản luật cụ thể hướng dẫn giải quyết việc trao nhầm con trong bệnh viện hoặc xử lý hành vi đánh tráo trẻ sơ sinh.

Về nguyên tắc áp dụng pháp luật thì sự kiện pháp lý xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng văn bản pháp luật ở thời điểm đó, chỉ áp dụng hồi tố trong một vài trường hợp đặc biệt và cần lưu ý đến các trường hợp chuyển tiếp quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành như đã phân tích nêu trên thì nếu cán bộ, nhân viên có lỗi trong việc trao nhầm trẻ sơ sinh thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự nếu là lỗi vô ý còn nếu chứng mình có việc cố ý giao không đúng trẻ sơ sinh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xem xét xử lý hình sự. Đối với vấn đề xử lý hành chính hoặc hình sự cũng cần xem xét đến thời hiệu xử lý vi phạm hành chính hoặc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trước khi quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp này. 

[mecloud]sw6LBeu2jk[/mecloud]

H.Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news