(Tinmoi.vn) Vụ thầy giáo và học sinh đánh nhau ngay trên bục giảng của lớp học đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Các chuyên gia giáo dục đã có nhiều ý kiến xung quanh vụ việc này.
PGS Văn Như Cương cho biết, ông không bao giờ chấp nhận hành vi đánh học trò và sẽ có quyết định ngừng việc giảng dạy của người thầy này nếu là giáo viên ở trường ông.
Ông Cương chia sẻ: Tôi cảm thấy rất buồn. Trên bục giảng lớp đó có treo khẩu hiệu: “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vậy hóa ra câu khẩu hiệu này chẳng có ý nghĩa gì khi thầy đánh trò, trò đánh lại thầy! Đáng buồn nhất là cái đánh của thầy giáo đối với cậu học sinh đó thể hiện sự cay cú, thù hận. Tất nhiên, khi nổi xung lên có thể người thầy sẽ tức giận, có mắng mỏ nhưng có tính chất kiềm chế. Còn đối với ông thầy này không hề có sự kiềm chế mà tát vào má học sinh hết sức dã man.
Ảnh thầy giáo đánh học sinh được cắt từ clip
Không chỉ lên án người thầy, PGS Văn Như Cương cũng đã chỉ trích hành vi của cậu học sinh, PGS cho rằng hành động đó cũng không chấp nhận được dù lỗi tại ai, thầy sai như thế nào chăng nữa. Không phải nguyên nhân thầy đánh trò mà trò được phép đánh lại thầy.
Từng gây được hiệu ứng mạnh với các học sinh, sinh viên về các phát ngôn, sáng tạo, thầy giáo, chuyên gia tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng đã có những nhận định riêng về vấn đề này. Theo thầy, người ta nhận được cái gì sẽ trao lại cái ấy. Thầy giáo tát học sinh liên tục thì tức nước vỡ bờ học sinh bật lại là điều dễ hiểu. Tuổi trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc, đặc biệt khi mình bị sỉ nhục và xâm phạm. Ở đây, học sinh sai vì cũng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, nhưng cái sai của thầy mới là cái sai to nhất, nghiêm trọng nhất. Vì thầy sai trước mới dẫn đến cái sai của học sinh. Chính hành động của người thầy giáo đã ép học sinh trở thành "một kẻ vô giáo dục".
Từ sự việc gây xôn xao trên, thầy Khắc Hiếu đã chia sẻ hướng giải quyết cho tình trạng này. Đối với học sinh, nếu bị thầy cô xúc phạm, cần giải quyết bằng một cách văn minh hơn như tố cáo, hoặc nhờ phụ huynh ra mặt can thiệp. Tuy khó, nhưng là điều nên làm.
Đối với những người làm công tác giáo dục, tôi nghĩ mọi người đều biết rằng sỉ nhục học sinh không bao giờ là cách có thể cảm hóa được các em. Bạo lực với học sinh để thỏa mãn cái tôi hay cơn giận của mình chắc chắn sẽ bị phản tác dụng. Nếu thương các em thì hãy làm thầy, nếu thích đánh đập hay sỉ vả thì tốt nhất là không nên tiếp tục đứng trên bục giảng - nơi xã hội đặt ra chỉ dành cho người biết yêu thương và chăm sóc nhân cách của con em mình.
Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam về clip thầy trò đánh nhau, Ông Đào Đức Tuấn, PGĐ Sở GD-ĐT Bình Định cho rằng: Giáo viên quá sai rồi, học sinh cũng sai nhưng cái sai chính xuất phát từ thầy giáo
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trong vụ việc trên, rõ ràng thầy giáo đã vi phạm đạo đức của một nhà giáo. Quan điểm của Sở là xử lý kỷ luật nghiêm túc, không bao che theo đúng điều lệ trường THPT của Bộ và các quy định hiện hành. Trong khoảng 3, 4 ngày nay, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại sự việc, lãnh đạo Sở cũng đã xem và sẽ chỉ đạo, giám sát việc xử lý vi phạm nghiêm túc, tránh gây dư luận xấu trong xã hội. Trong tháng này sẽ có kết quả công khai trước báo chí.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, việc chưa chú trọng dạy kỹ năng xử lý tình huống sư phạm đã tạo “lỗ hổng” về đạo đức trong nghề giáo. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hiện tượng thầy bạo hành trò.
“Trong trường, bộ môn tâm lý giáo dục nhưng việc học rất mô phạm. Hầu hết đều là những kiến thức sách vở, các giảng viên không đưa được ra nhiều tình huống thực tế để sinh viên thực tập. Khi sinh viên ra trường họ chỉ biết xử lý các tình huống bằng chính kinh nghiệm non nớt của mình. Do đó, nếu không có sự kiềm chế, giáo viên rất dễ rơi vào tình huống xô xát với học sinh", Cô Nguyễn Thị Ninh, một giáo viên trẻ tốt nghiệp ĐH Sư phạm cho biết.
Lê Vy (TH)