Sáng 26/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết bão số 9 (tên quốc tế Molave) đã di chuyển vào Biển Đông và đang duy trì cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 14. Trong 2 ngày tới, bão di chuyển với vận tốc ổn định 20-25 km/h và tiếp tục mạnh lên.
Ngày 27/10, vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Nam - Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió bão với nguy cơ về dông lốc, gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Từ đêm mai đến ngày 28/10, khu vực đất liền chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu gió bão. Bão Molave có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Nhận định về sức ảnh hưởng của bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, bão gây ra sóng cao 8-10 m ở Biển Đông. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có sóng cao 4-7 m.
Trước dự báo bão số 9 gây gió bão mạnh và mưa lớn kéo dài, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn cho người dân trên các tàu, lồng bè. Tất cả các giải pháp kêu gọi, di dời người dân phải được trển khai khẩn cấp; đồng thời, phương án sơ tán dân phải được thực hiện phù hợp với tình hình.
Lực lượng chức năng các tỉnh nâng cao công tác tìm kiếm cứu nạn, tập trung tốt nhất cho việc tìm kiếm những người còn mất tích.
Người đứng đầu Chính phủ lo ngại lượng mưa sắp tới tiếp tục gây ra ngập lụt, sạt lở đất ở Trung Bộ. Đợt mưa lũ vừa qua làm đã gấy tổn thất rất lớn về người và của ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân.
Với Nam Trung Bộ, Thủ tướng cho rằng các địa phương tại đây chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với bão lớn. Do đó, khu vực này cần áp dụng phương án quyết liệt. Các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ dù đã có kinh nghiệm nhưng vẫn cần cảnh giác những ngày tới.
"Tôi yêu cầu các địa phương không tổ chức họp trong những ngày tới, trừ cuộc họp rất cần thiết, để tập trung chỉ đạo người dân và cơ sở ứng phó với bão. Điều quan trọng là phương châm '4 tại chỗ', dù được triển khai đến chính quyền rồi nhưng người dân phải nhận thức được để sẵn sàng sơ tán", Thủ tướng yêu cầu.
Cũng tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, đơn vị đã lên phương án sơ tán khẩn cấp với hơn 1,2 triệu dân trong trường hợp bão đổ bộ đất liền theo kịch bản được dự báo mạnh cấp 12.
Theo BCĐ, tính đến sáng nay, bộ đội biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến hơn 59.000 tàu với hơn 589.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đồng thời, địa phương tổ chức bắn pháo hiệu để cảnh báo cho tàu thuyền.
Hiện, hơn 25.000 tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Trong khi tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu chỉ đáp ứng được khoảng 61% nhu cầu thực tế.
Trong 2 ngày tới, các tỉnh phải hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, nhất là các bến cảng lớn, tàu vận tải và tàu vãng lai, tránh để xảy ra các sự cố như các tàu gặp nạn ở bão số 12 - Damrey năm 2017.
Cán bộ phải xuống tận nơi kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tại bến, không để người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ. Lãnh đạo địa phương chủ động ra quyết định cấm biển, kiên quyết xử lý những chủ phương tiện, thuyền trưởng không chấp hành hướng dẫn của bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương.