Lương tối thiểu vùng là gì?
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động cũng như gia đình họ; tương quan mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Lương tối thiểu vùng năm 2022 có tăng không?
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong năm 2020, 2021, mức lương tối thiểu vùng không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị điều chỉnh Tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 trong quý I của năm 2022.
Đây là thông tin nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động cũng như các doanh nghiệp.
Tăng lương cho người lao động được xem là một trong những biện pháp kích cầu, nhằm tạo 'cú huých' mua sắm và tiêu dùng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu do ảnh hưởng của dịch bệnh, mức lương tối thiểu vùng không được tăng thì sẽ giữ nguyên so với năm 2021. Theo đó mức lương tối thiểu vùng 2022 như sau:
Lương tối thiểu vùng 2022 dùng để làm gì?
- Mức lương thấp nhất chi trả cho NLĐ
Mức lương tối thiểu vùng 2022 được xem là mức thấp nhất làm cơ sở để các doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.
Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thoả thuận phải đảm bảo:
+ Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất.
+ Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.
- Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu
Theo Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
+ Đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
+ Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
+ Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
+ Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
- Mức lương để trả lương ngừng việc
Lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019.
- Làm cơ sở tính thiệt hại mà NLĐ phải bồi thường cho NSDLĐ
Đây là cơ sở căn cứ tính thiệt hại khi NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ thì phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của NSDLĐ.
Đối với trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Bộ luật Lao động 20219.
- Tiền lương tối thiểu khi chuyển NLĐ làm công việc với khác với HĐLĐ
Khoản 3 Điều 29 Bộ Luật Lao động năm 2019, NLĐ chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ được trả lương theo công việc mới.
Nếu như tiền lương công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì sẽ được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng bị phạt bao nhiêu?
Theo Khoản 3 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền đối với NSDLĐ khi có hành vi trả lương cho NLĐ thấp hơn hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì phạt gấp đôi.