Bà Bành Lệ Viện và bà Michelle Obama đều được ca ngợi là những biểu tượng thời trang trong vai trò đệ nhất phu nhân. Dưới đây là điểm khác biệt giữa 2 người phụ nữ quyền lực này.
Bà Bành Lệ Viện, người phụ nữ đầu tiên của Trung Quốc tháp tùng chồng sang Mỹ trong tuần này, không còn xa lạ gì với công chúng.
Bà được cả truyền thông đại lục lẫn quốc tế ca ngợi về phong cách thời trang trong những chuyến thăm cấp nhà nước trước đó.
Các ăn vận hợp thời của bà đã khiến bà được so sánh với 2 biểu tượng thời trang khác đó là đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và nữ công tước xứ Cambridge, vợ Hoàng tử Anh William, Kate.
Bà Bành Lệ Viện, đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một ca sĩ nổi tiếng khắp đại lục trước khi gặp ông Tập Cận Bình vào năm 1986 và kết hôn với ông vào năm 1987.
Trong chuyến đi Mỹ cùng chồng lần này, bà Bành Lệ Viện chắc chắn sẽ bị đem ra so sánh với đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama.
Dưới đây là 5 điểm khác biệt giữa 2 biểu tượng thời trang này.
Lý lịch
Bành Lệ Viện
Bà là người huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông, gia nhập PLA năm 18 tuổi. Bà là 1 trong số những người đầu tiên của đại lục nhận được bằng thạc sĩ âm nhạc dân tộc tại Học viện âm nhạc Trung Quốc.
Tài năng âm nhạc đã đưa bà lên hàng ngôi sao, như một giọng nữ cao trong quân đội Trung Quốc. Bà đã có nhiều buổi biểu diễn ở khắp Trung Quốc và nước ngoài.
Michelle Obama
Bà Obama lớn lên cùng anh trai, Craig, ở Chicago. Cha bà là một người điều hành nhà máy nước, mẹ bà ở nhà làm nội trợ cho đến khi con gái đi học trung học.
Bà học trường trung học công lập sau đó tốt nghiệp ĐH Princeton với bằng cử nhân xã hội học. Bà tiếp tục học trường Luật tại ĐH Harvard vào năm 1988 và nhận bằng tiến sĩ luật.
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện vẫy tay với các sinh viên khi tới thăm trường trung học Lincoln ở Tacoma, Washington. Ảnh: Reuters |
Nghề nghiệp
Bành Lệ Viện
Bên cạnh việc là đệ nhất phu nhân Trung Quốc và là một ca sĩ, bà Bành Lệ Viện còn là chủ tịch Học viện Nghệ thuật PLA.
Bà đã không còn biểu diễn trước công chúng nữa nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động Từ thiện.
Michelle Obama
Sau khi là một luật sư, bà Obama bắt đầu làm việc về dịch vụ công và là phó trưởng khoa tại ĐH Chicago.
Sau đó, bà trở thành phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đối ngoại và cộng đồng tại Trung tâm y tế ĐH Chicago trước khi chồng bà lên nhậm chức tổng thống.
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng vợ (trái) chào đón Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và 2 con gái của họ, Malia (bên phải, thứ hai) và Sasha tại Bắc Kinh hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Reuters |
Gia đình
Bành Lệ Viện
Bà Bành gặp ông Tập Cận Bình thông qua 1 người bạn vào năm 1986 và họ kết hôn năm 1987.
Bà là vợ 2 của ông Tập Cận Bình.
Họ có 1 người con gái tên Tập Minh Trạch, sinh năm 1992, hiện đã trở về Trung Quốc sau khi học ở ĐH Harvard.
Michelle Obama
Bà Obama gặp chồng, tổng thống Barack Obama vào năm 1989 khi còn đang là một phụ tá ở một công ty luật.
Họ kết hôn năm 1992, có 2 con gái là Malia (sinh năm 1998) và Sasha (sinh năm 2001). 2 cô bé cùng học tại ngôi trường dân lập, nơi con gái cựu tổng thống Bill Clinton và Richard Nixon đều theo học.
Các chiến dịch
Bành Lệ Viện
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ nhiệm bà Bành Lệ Viện làm đại sứ thiện chi trong chiến dịch chống lại bệnh lao và HIV/AIDS trong năm 2012.
Vào năm 2014, UNESCO đã chọn bà làm đặc phái viên đặc biệt để thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ.
Bà cũng cùng với Bill Gates - nhà đồng sáng lập Microsoft, thúc đẩy Ngày Thế giới Không thuốc lá.
Michelle Obama
Bà Obama đã thúc đẩy chiến dịch "Hãy di chuyển!" vào năm 2010 để chiến đấu chống lại bệnh béo phì ở trẻ em.
Bà đã nâng cao những nhận thức cần thiết cho giáo dục và nói về việc trao quyền cho phụ nữ trẻ trên toàn thế giới thông qua một sáng kiến chính phủ có tên gọi "Hãy để trẻ em gái được học tập".
Bà Michelle Obama và chồng - tổng thống Mỹ Barack Obama - vẫy tay từ ban công Nhà Trắng cùng với Đức thánh cha Francis ở Washington. Ảnh: TNS |
Phong cách
Bành Lệ Viện
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc có xu hướng mặc đồ may đo với những đường may cân đối đẹp đẽ vào những dịp trang trọng. Cư dân mạng đã ca ngợi "những bộ quần áo thanh lịch" và trang phục duyên dáng của bà.
Bà được các nhà thiết kế của Trung Quốc hỗ trợ, ví dụ như Ma Ke, một trong những nhà sáng lập của Exception de Mixmind, một thương hiệu thời trang không được biết đến rộng rãi cho đến khi bà khuấy đảo các trang nhất toàn cầu với một chiếc áo choàng đen tinh xảo và một chiếc túi xách trong chuyến đi đầu tiên cùng ông Tập tới Moscow năm 2013.
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện và chồng, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow vào năm 2013. Ảnh: Reuters |
Michelle Obama
Bà Obama có phong cách đa dạng hơn - quần áo của bà thay đổi từ trang phục giản dị cho tới những bộ váy dạ hội (ball-gown) trễ vai và những bộ quần áo được cắt may phù hợp.
Đệ nhất phu nhân 51 tuổi mặc trang phục hầu hết do của các nhà thiết kế Mỹ, trong đó có nhiều nhà thiết kế của các hãng bán lẻ giá cả phù hợp như J.Crew và Target và nhà thiết kế nổi tiếng Alexander McQueen.
Bảo Linh (theo SCMP)