Chỉ bằng 2 tiếng đồng hồ cho mỗi phim, 5 câu chuyện này đã khiến cho hàng triệu con người phải rơi nước mắt vì quá xúc động.
Yếu tố xúc động dường như đã trở thành một đặc trưng của , khi mà trong số hàng trăm tác phẩm ra mắt mỗi năm của làng phim xứ kimchi, có không biết bao nhiêu phim được làm ra để khiến khán giả phải rơi lệ không nhiều thì ít. Dưới đây chỉ là 5 trong số rất nhiều những tác phẩm lấy nước mắt nổi tiếng của Hàn Quốc, rất thích hợp cho những ai đang tìm kiếm một bộ phim xem để... khóc.
1. Train to Busan
Được giới thiệu là một bộ phim về đại dịch xác sống bùng phát trên chuyến tàu từ Seoul tới Busan, Train to Busan khiến người xem kinh ngạc vì những gì mà nó làm được vượt xa kì vọng của khán giả về một phim kinh dị. Trước khi ra rạp, có lẽ không ai nghĩ rằng mình sẽ phải khóc nhiều đến thế vì ông bố Seok Woo (Gong Yoo) bận bịu đến quên cả sinh nhật của con; vì cô con gái Soo Ahn (Kim Soo Ahn) chững chạc hơn tuổi; vì đôi vợ chồng sắp sửa đón đứa con đầu lòng hay vì cô cậu nọ đến từ đội bóng chày và cảm nắng nhau.
Từng câu chuyện của các nhân vật cứ thế đưa người xem đến tột cùng cảm xúc. Tình yêu, tình mẫu tử, phụ tử, sự sợ hãi, vẻ liều lĩnh, cái chết, sự hi sinh,... tất cả những khía cạnh ấy đều đã được đạo diễn Yeon Sang Ho cùng các diễn viên thể hiện một cách không thể trọn vẹn hơn. Vào thời điểm công chiếu, Train to Busan còn từng gây rúng động khi xây dựng câu chuyện của hai nhân vật do Choi Woo Sik và Ahn So Hee dựa trên chính thảm họa chìm phà Sewol tại Hàn Quốc năm 2014.
2. Ngày không còn Mẹ
Hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc, Ngày Không Còn Mẹ hứa hẹn sẽ là bộ phim thứ hai sau Train to Busan gây bão tại phòng vé Việt nhờ sự xúc động trong cốt truyện. Khác với bom tấn 11,5 triệu vé, Ngày Không Còn Mẹ ngay từ tựa phim và những lời giới thiệu đầu tiên đã khiến khán giả biết rằng trước khi vào rạp, họ nên mang theo không ít khăn giấy và có thể là không cần mua thêm bỏng.
Jin Gyu (Kim Sung Kyun), con trai của bà Ae Soon (Go Doo Shim), là một người đàn ông đã 30 tuổi nhưng bộ não như bị "mắc kẹt" ở tuổi lên 7. Suốt 30 năm qua, bà Ae Soon đã một mình chăm sóc đứa con không bình thường, thay con làm hết mọi việc, cho đến khi điều mà bà lo sợ nhất xảy đến - bà không còn sống ở trên đời được bao lâu nữa. Đối với bà Ae Soon, Jin Gyu là tất cả niềm vui, nỗi buồn của bà. Giờ đây, bà sẽ phải dạy con cách tự lập, dạy con từ những việc đơn giản nhất, đưa con đến đám tang để dạy con biết cái chết thực sự là như thế nào.
3. Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Một bộ phim có thể khiến bạn "khóc từ đầu đến cuối". Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7 là tác phẩm ăn khách nhất phòng vé Hàn năm 2013 với 12,8 triệu khán giả, vượt qua cả ba cái tên The Attorney, Snowpiercer và The Face Reader. Thực tế, số người đã rơi lệ vì câu chuyện của gã tù nhân bị kết án oan Yong Goo (Ryu Seung Ryong) phải gấp nhiều lần con số này.
Ước muốn duy nhất của Yong Goo là được gặp lại cô con gái Ye Seung của mình trong nhà tù, nơi không bao giờ mở cửa cho người nhà vào thăm tù nhân. Câu chuyện về những người bạn tù của Yong Goo tìm cách giúp anh và con gái có thể gặp nhau đã không chỉ đem lại cho người xem những phút giây hài hước, mà còn cả những bài học về tình người ngay giữa những kẻ tù tội.
4. Hope
Cuối năm 2016, khi những vụ án ấu dâm liên tiếp làm công chúng phẫn nộ, phim điện ảnh Hope đã trở thành từ khóa được tìm kiếm hàng đầu tại Việt Nam ở thời điểm đó. Đây là một bộ phim của đạo diễn nổi tiếng Lee Joon Ik, được ông xây dựng dựa trên vụ án ấu dâm có thật từng gây chấn động Hàn Quốc vào năm 2008. Cô bé Na Young 8 tuổi bị cưỡng hiếp và bạo hành bởi một gã đàn ông say rượu 57 tuổi trong nhà vệ sinh công cộng. Bản án chỉ 12 năm tù dành cho tên ác thú bị dư luận chỉ trích dữ dội, nó quá nhẹ so với tội ác mà hắn đã gây ra cho một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi.
Hope khiến không chỉ khán giả mà ngay cả các diễn viên cũng không thể cầm được nước mắt trước bi kịch được miêu tả trong phim. Tại giải thưởng Rồng Xanh lần thứ 34, bộ phim đã gây bất ngờ khi chiến thắng loạt tác phẩm ăn khách Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7, Snowpiercer và The Face Reader tại hạng mục Phim hay nhất. Ra Mi Ran, người đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, khi lên sân khấu nhận giải đã phát biểu trong nước mắt: "Tôi muốn nói điều này tới rất nhiều bé gái ngoài kia đang phải chịu chung nỗi đau với bé So Won - đấy không phải là lỗi của các cháu. Không sao cả. Hãy tiến lên".
5. Ode to My Father
Khác với 4 câu chuyện kể trên, bộ phim ăn khách thứ hai lịch sử Hàn với 14,2 triệu vé Ode to My Father lấy bối cảnh xuyên suốt từ Hàn Quốc những năm 1950 tới Hàn Quốc của thời hiện đại. Trong cuộc sơ tán tại Hungnam năm 1950, cậu bé Deok Soo đã để lạc mất em gái mình, Mak Soon. Bố của cậu đã ở lại để tìm kiếm Mak Soon và dặn dò con trai mình hãy đưa mẹ và hai em tới cảng Busan trước. Trước khi chia tay, Deok Soo và bố đã có một lời hứa, rằng cậu sẽ là người thay ông trở thành trụ cột gia đình.
Bỏ qua những ý kiến trái chiều về vấn đề chính trị, Ode to My Father vẫn là tác phẩm về tình gia đình anh em kinh điển của điện ảnh Hàn Quốc. Nhà phê bình Kim Hyung Suk nói: "Những khán giả sống ở cùng thời đại với nhân vật Deok Soo sẽ có cảm giác rằng bộ phim cũng chính là một lời hứa với chính bản thân họ, khiến họ nhớ về quê nhà và cảm thấy dễ chịu".
Trong khi đó, đạo diễn của phim, Yoon Je Kyoon lại cho biết ông đã cố tình loại bỏ mọi góc nhìn chính trị khỏi phim và chỉ muốn nói về câu chuyện của những người bố người mẹ đã hi sinh chính mình vì con cái trong thời kì loạn lạc. Đồng thời, ông cũng muốn "làm một bộ phim gia đình mà cả ba thế hệ đều có thể cùng nhau theo dõi". Yoon coi Ode to My Father là bộ phim để tưởng nhớ tới bố của mình (tên của hai nhân vật Deok Soo và Young Ja cũng là tên của bố mẹ ông): "Bố tôi qua đời khi tôi còn học đại học và tôi đã không có cơ hội để nói lời cảm ơn tới ông ấy. Tôi mong rằng bộ phim này sẽ là một sợi dây kết nối giữa thế hệ già và thế hệ trẻ".