PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chia sẻ, tủ lạnh là một thiết bị thông dụng và hữu ích giúp bảo quản thức ăn, đồ uống. Nhờ có tủ lạnh thực phẩm tươi lâu hơn, thức ăn khó hỏng hơn, đồ uống mát lạnh hơn...
Tủ lạnh thường có 2 ngăn, ngăn đá để bảo quản thực phẩm tươi sống trong thời gian dài. Ngăn mát bảo quản thực phẩm chín và làm mát các loại đồ ăn hàng ngày. Môi trường lạnh và kín của tủ giúp kìm hãm, không cho vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên tủ lạnh chỉ giúp bảo quản trong thời gian nhất định và nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh thông tin, do bảo quản không đúng cách, tùy theo việc cơ thể bị nhiễm loại vi khuẩn gì, nhẹ nhất sẽ khiến chúng ta bị rối loạn tiêu hóa, nặng hơn phải đi cấp cứu.
Đặc biệt nếu bảo quản thực phẩm sai cách trong tủ lạnh nguy cơ chúng ta nhiễm vi khuẩn listeria (loại vi khuẩn có thể phát triển và nhân lên từ từ trong tủ lạnh, được xem là “sát thủ vô hình trong tủ lạnh”) rất cao. Một thống kê cho thấy có tới 20-30% ca mắc phải vi khuẩn này bị tử vong.
Theo các chuyên gia, listeria được gọi là “sát thủ vô hình trong tủ lạnh” vì khả năng sống mạnh mẽ có thể tồn tại 1 năm ở nhiệt độ -20 độ C. Khi xâm nhập vào đường ruột, listeria gây ngộ độc hoặc gây viêm màng não hay các vấn đề khác về thần kinh trung ương, nguy hiểm hơn là dẫn đến hôn mê, tử vong.
Vi khuẩn listeria có thể chịu lạnh, chịu áp suất cao nhưng lại không chịu được nhiệt độ cao vì vậy khi nấu chín thức ăn, chúng ta có thể loại bỏ vi khuẩn này. Listeria có thể tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm như thịt, đặc biệt thịt bò, trứng, hải sản, sữa, dầu… Nếu sự hiện diện của listeria trong tủ lạnh vượt quá 10% sẽ gây hại cho sức khỏe con người.
“Chúng ta có không ít thói quen sai lầm biến tủ lạnh thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là vi khuẩn listeria phát triển”, PGS.TS Ninh nói. Dưới đây là một số sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh dễ khiến thức ăn bị nhiễm khuẩn, chúng ta cần thay đổi ngay:
-Để thực phẩm nguội mới cho vào tủ lạnh
Bạn không cần đợi thực phẩm nguội rồi mới cho vào tủ lạnh. Thức ăn ấm sẽ không gây hại cho tủ. Khi bạn để thực phẩm ngoài không khí quá lâu, vi trùng có thể bắt đầu sinh sôi nhanh chóng ở nhiệt độ từ 40 độ đến 140 độ.
-Để trứng ở cửa tủ lạnh
Ngăn trữ đồ ở cánh tủ lạnh sẽ có nhiệt độ cao hơn so với ngăn trữ đồ trong tủ lạnh, vì vậy hãy tránh để những thực phẩm dễ hỏng ở đó. Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nên giảm tần suất mở cánh tủ lạnh để ngăn nhiệt độ tăng lên. Trong trường hợp bạn để trứng ở khay cánh cửa tủ lạnh, cần lưu ý, ngay cả khi đóng cửa tủ thì ở bên trong tủ lạnh, ngăn trên cùng có xu hướng nhiệt độ cao hơn so với ngăn dưới cùng. Vì vậy nên để trứng ở ngăn dưới, nơi lạnh hơn.
-Không đậy nắp đồ ăn thừa khi cho vào tủ lạnh
Thói quen để nguyên thức ăn thừa vào trong tủ lạnh mà không đậy lại có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe. Bởi lẽ việc không đậy nắp thức ăn chính là một nguồn cơ gây nên các bệnh về đường tiêu hóa.
Ngoài ra, số thức ăn đó sẽ dễ dàng nhiễm các vi khuẩn kí sinh lan từ các loại thực phẩm với nhau gây nhiều bệnh nguy hiểm. Đồng thời, nếu không được đậy kín, hơi thức ăn bốc lên, gây mùi khó chịu khắp tủ lạnh. Vì thế, khi cho đồ ăn thừa vào tủ lạnh, mọi người nên bọc kín bằng nylon hoặc đựng trong hộp có đậy nắp cẩn thận.
- Không sơ chế thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh
Cá, thịt ở ngoài chợ có thể bị nhiễm bẩn, vi khuẩn, khi không rửa sạch mà cho vào tủ lạnh sẽ tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn ra thực phẩm khác. Lúc này, thực phẩm mới mang về trở thành nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
- Chất kín thực phẩm trong tủ lạnh
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, Không khí lạnh cần phải luân chuyển quanh thực phẩm nhằm giữ cho chúng được làm lạnh thích hợp. Do đó, nên tránh xếp chồng chéo các hộp đựng thực phẩm hoặc sử dụng bất kỳ vật liệu nào ngăn không khí lưu thông tự do trong tủ. Ngoài ra bạn cần lưu ý giữ các lỗ thông hơi được thoáng, không bị tắc.
Ngoài ra bạn cần tạo thói quen thường xuyên vứt bỏ những thực phẩm không còn an toàn sử dụng. Nếu bạn thấy thực phẩm có mùi hoặc vị có vấn đề, hãy loại bỏ chúng.
Khi có bất cứ thực phẩm nào bị đổ trong tủ lạnh, nên ngắt nguồn, làm sạch ngay lập tức bằng nước xà phòng ấm và sau đó lau sạch tủ. Tránh các chất tẩy rửa hóa học có thể dây mùi vào thực phẩm. Để khử mùi hôi tủ, bạn nên đặt một hộp baking soda đã mở sẵn trên kệ tủ lạnh.