Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10 và thay thế Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức và Nghị định số 104/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.
4 nguyên tắc thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn
Theo đó, cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh như Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Thứ trưởng, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; … được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Bên cạnh đó, một số đối tượng khác được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn như: Công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ, chức danh Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;…
Cũng theo Nghị định 83/2022/NĐ-CP, nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn phải đảm bảo 4 nguyên tắc.
Cụ thể, bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức giữ chức vụ, chức danh theo quy định khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong thời gian thực hiện Chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.