Nhiều ngày qua, mưa lũ vượt mốc lịch sử năm 1979 đã nhấn chìm cả trăm ngàn căn nhà tại Quảng Bình. Tại nhiều nơi, lực lượng chức năng phải dốc sức cứu trợ do nước lũ lên quá cao, ngập tới nóc các căn nhà. Nhiều người dân phải dỡ mái ngói để kêu cứu.
Tuy nhiên điều đó hiện không xảy ra tại vùng Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Nguyên nhân là nhờ những căn nhà phao chống lũ đã giúp họ “vượt ải” thành công. Sau cơn “đại hồng thủy”, rất nhiều bài học về ứng phó thiên tai đã được đúc rút.
Nhờ có gần 540 nhà phao tránh lũ mà người dân có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân thường sẽ mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng, sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.
Theo ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa thì trận lũ mới đây đã gây ngập 706 căn nhà tại địa phương, đặc biệt tại thôn 3 và 4, nhiều điểm đã ngập sâu khoảng 8m, nhấn chìm hoàn toàn nhiều căn nhà dưới nước.
Sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao để “sống chung với lũ.” Nhà phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại. Khi nước dâng cao, nhà sẽ nổi theo nước.
Để làm một căn nhà phao khoảng 15-20m2, bà con đầu tư khoảng 30 đến 35 triệu đồng. Khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8 đến 10 người và còn chứa thêm được các vật dụng thiết yếu và các tài sản quý như tivi, xe máy, lương thực... Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc nhà...
Nhu yếu phẩm là sự cứu trợ trước mắt, còn tương lai, bà con cần một hoạch định lâu dài để chống chọi với bão lũ trong khoảng thời gian tới để giảm bớt sự thiệt hại, đau thương về người và của.