Ngủ là thời điểm mà cơ thể nghỉ ngơi và tái tạo lại năng lượng. Giấc ngủ góp phần phục hồi tế bào và thanh lọc bộ não, giúp bạn khỏe mạnh để bắt đầu một ngày mới bận rộn. Ngủ còn giúp cải thiện ngoại hình, tăng cường miễn dịch, nâng cao chỉ số cảm xúc… cùng vô vàn những lợi ích khác.
Nhìn chung, sau khi ngủ dậy luôn là thời điểm mà cơ thể khỏe khoắn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu khi thức giấc, bạn cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi kèm theo một số dấu hiệu dưới đây, cần chú ý đến tình trạng sức khỏe của mình.
Nhức đầu, chóng mặt
Sau khi ngủ dậy là lúc mà cơ thể đã phục hồi và khỏe khoắn trở lại. Nhưng nếu bạn thường xuyên thấy đau đầu, chóng mặt và vẫn còn mệt mỏi thì có thể do não bị thiếu oxy, máu lên não không đủ hoặc mạch máu não hẹp. Đây cũng là dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ, khiến bạn không thể ngủ sâu và phục hồi.
Nghiêm trọng hơn, nếu triệu chứng này kéo dài thì phải cẩn thận với bệnh ung thư. Tế bào ung thư khi phát triển và di căn sẽ cần rất nhiều dinh dưỡng trong cơ thể, điều này làm bạn thiếu hụt năng lượng và dễ thấy mệt mỏi, nhức đầu dù đã ăn uống và ngủ đủ giấc.
Chính vì vậy, khi có triệu chứng này kéo dài bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán điều trị hiệu quả.
Phù nề
Thông thường, những người khỏe mạnh có thể sẽ xuất hiện dấu hiệu phù nề trên mặt khi ngủ dậy vào buổi sáng, nhưng nó sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 20 phút. Nhưng rất lâu sau mà khuôn mặt vẫn còn phù nề, đặc biệt là phù mí mắt thì bạn có thể đã mắc bệnh thận.
Cứng khớp
Nếu sau khi thức dậy vào buổi sáng, bạn cảm thấy các khớp và cơ bị cứng lại, hoạt động khó khăn thì rất có thể bạn đã bị viêm khớp dạng thấp, nhất là những người có tiền sử dị ứng.
Những người trung niên hoặc cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị cứng khớp vào buổi sáng nhất, dấu hiệu là không thể nắm chặt tay và khó hoạt động các khớp của cơ thể trong hơn 1 giờ sau khi thức dậy.
Khô miệng
Nhiều người ngủ dậy rất hay bị khô miệng. Đây là dấu hiệu cảnh báo bạn có thói quen thở bằng miệng khi ngủ, hoặc đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng như ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA)… Tình trạng này còn hay gặp ở những người hay dùng rượu bia và chất kích thích.
Khô miệng khi ngủ dậy cũng có thể cảnh báo sớm bệnh tiểu đường. Theo đó, bệnh tiểu đường sẽ khiến cơ thể mất nước nặng nên làm miệng bị khô vào buổi sáng. Do đó nếu có triệu chứng khô miệng kéo dài, hãy thường xuyên theo dõi đường huyết để điều chỉnh kịp thời.
Đắng miệng
Trong khi ngủ, cơ thể thường mất nhiều nước cho việc đổ mồ hôi điều hòa thân nhiệt và thở. Nó khiến bạn có cảm giác đắng miệng khi ngủ dậy.
Cảm giác này sẽ rõ ràng hơn khi bạn uống rượu, hút thuốc, thức khuya. Nếu bạn không có những thói quen xấu này mà khi ngủ dậy vẫn thấy đắng miệng, lưỡi khô thì hãy cảnh giác. Cảm giác đắng này có thể liên quan tới sự chuyển hóa mật bất thường, hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh gan, mật.
Đau bụng tiêu chảy
Đi đại tiện vào mỗi buổi sáng là một thói quen tốt, nhưng nếu hay bị tiêu chảy khi thức dậy, thậm chí đi tới 4-5 lần thì lại là dấu hiệu bệnh lý. Đây có thể là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích: Bệnh nhân lúc này có đại tràng khá nhạy cảm nên sẽ làm nhu động ruột tăng gấp 3 lần sau khi thức dậy, gây tiêu chảy liên tục.
Ngoài ra, tiêu chảy đi ngoài vào buổi sáng có thể do bệnh viêm ruột gây nên. Các triệu chứng của bệnh viêm ruột rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Do đó bạn hãy lưu ý những dấu hiệu như hay bị đau bụng tiêu chảy vào buổi sáng, đau bụng, cân nặng giảm sút, mệt mỏi kèm chán ăn…