Mùng 8/3, rồi 20/10… thậm chí là tết Thiếu nhi con gái cũng đòi quà. Tóm lại, tất cả các ngày lễ, ngày nào cũng là của con gái.
Đó là câu trả lời của Mai (24 tuổi) cùng đám bạn khi được hỏi về ngày dành cho phụ nữ. Không thể phủ nhận, phụ nữ là một phần không thể thiếu. Chẳng vì thế mà người ta vẫn gọi họ là một nửa thế giới cơ mà.
Một nhóm bạn nữ bàn tán về quà 8/3, nhưng tất cả đều cho rằng ý nghĩa về mặt tinh thần mới có nhiều giá trị. |
Hằng ngày, ngoài lo toan công việc, cơm – áo – gạo tiền chẳng kém gì đấng mày râu, khi trở về nhà, phụ nữ còn cả núi công việc, nào là chợ búa, con cái… Thế nên, với họ, ngày nào cũng là ngày phụ nữ cũng là điều dễ hiểu.
Lang thang khắp các tuyến phố Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh mà chưa chọn được cho mình món quà ưng ý. Anh Đức Hòa chia sẻ, anh và bạn gái mới hẹn hò được 2 tháng nay, đây là ngày lễ đầu tiên được tặng quà nên khá tỉ mẩn trong việc chọn lựa.
Trái ngược với anh, Tiến Minh vội vã tấp xe vào lề đường, chọn một bó hoa vừa túi tiền rồi rút ví. Minh chia sẻ, anh và bạn gái yêu nhau đã 2 năm, việc tặng quà không còn quá quan trọng, miễn có quà là được.
Minh làm thuê cho một cửa hàng bán quần áo trên đường Láng. Thu nhập một tháng khoảng 5 triệu. Chàng trai 21 tuổi thú thực, những ngày lễ như thế này ngốn không ít tiền của. Ngoài hoa và quà, tối 2 người lại đi xem phim. Dĩ nhiên kinh phí do Minh chi trả.
Quá nhiều ngày lễ cũng khiến các chàng trai lo sợ. |
Cậu khoe, bạn gái cậu là sinh viên một trường đại học. Tính cách khá trẻ con và tiểu thư. Vì thế, cô rất xem trọng hình thức, những ngày lễ không may nếu bận mà Minh quên không nhớ tặng quà là kiểu gì bạn gái cũng giận dỗi.
Minh cho rằng, bản thân mình không được may mắn học hành đến nơi đến chốn. Bạn gái đồng ý nhận lời yêu cũng đã là một thiệt thòi, vì thế Minh yêu chiều người yêu lắm.
Tuy nhiên, cậu cũng phải thú thực, do kinh tế eo hẹp, một năm không biết là bao nhiêu ngày lễ, đôi lúc, Minh cũng thấy mệt nhoài vì chuyện hoa với quà. Nhưng không có thì không được.
Nhóm bạn của Mai cũng thừa nhận, ngoài 8/3, 20/10… là những ngày lễ đặc thù dành để tôn vinh phụ nữ, thì Valentin, Noel, 1/5… ngay cả Tết Trung thu con gái cũng đòi quà. Tết nhiên đó không phải đại đa số.
Phú quý sinh lễ nghĩa, khi cuộc sống đủ đầy hơn người ta nghĩ nhiều đến khía cạnh tinh thần. Có lẽ vì vậy, người ta nghĩ ra nhiều cái cớ để tặng quà nhau hơn.
Món quà phần nào trở thành sọi dây gắn kết những mối quan hệ mật thiết, khăng khít, bền lâu hơn. Nhưng có một thực tế, hiện nay người ta quá lạm dụng việc tặng quà. Từ tặng quà biếu sếp… cho đến tặng quà người yêu. Từ những món quà chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần dần trở thành những món quà nặng về vật chất.
Để rồi từ đó, nhiều người có thói quen tặng quà – nhận quà. Món quà không còn đơn giản ở giá trị tinh thần, nó trở thành thứ để người ta đem ra so sánh với nhau. Để đong đếm “tình cảm”, để cân giá trị.
Chẳng khó để tìm những hình ảnh khoe quà tặng trên mạng xã hội. Từ những chiếc nhẫn nhỏ bé xinh xinh, cho đến chiếc iPhone 6 plus hàng chục triệu, thậm chí là cả chiếc xế hộp láng cóng một đại gia tặng bạn gái nhân ngày 8/3.
Cho và nhận, tưởng chừng đơn giản nhưng vô hình chung nó tạo thành thói quen, thành cái nếp. Để rồi chúng ta phụ thuộc nó mà quên đi giá trị cốt lõi nằm ở mặt tinh thần. Nó khiến chúng ta trở thành những nô lệ của ngày lễ, của quà tặng.
Để rồi khi không có, ta hụt hẫng, muộn phiền.
Trong lúc trà dư tửu hậu, một anh bạn ngoài 40 của tôi thốt lên rằng: “Đàn ông Việt quá khổ. Hết 14/2, lại đến 8/3, rồi 20/10… cả 1 năm trời chỉ lo cày với dốc hầu bao mua quà tặng”.
Nhưng có lẽ, đó chỉ là câu than vãn cửa miệng, là câu chuyện làm quà của cánh đàn ông. Còn thực sự trong suy nghĩ, tôi nghĩ chắc chắn đàn ông Việt không khổ. Có chăng, khổ là do cách đàn ông tự làm khổ mình, làm nô lệ cho những món quà mà thôi.
Chồng tặng hoa vợ và có thể nấu cơm, rửa bát trong ngày 8/3, nhưng 364 ngày còn lại, ai là người làm nấu những bữa cơm ngon khi các đấng ông chồng đi nhậu.
Thế nên, đàn ông Việt không hề khổ.
Kim Ngưu