Ông Tuấn mang về nhà gần 2kg cá nóc để làm mồi và rủ thêm 4 người bạn đến cùng nhậu. Sau khi ăn, 5 người có dấu hiệu ngộ độc như: Chóng mặt, chân tay bị yếu, tê môi, tê lưỡi…
Trí Thức Trẻ đưa tin, ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Nữa, Phó Chủ tịch xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau), cho biết trên địa bàn đã xảy ra vụ việc 5 ngư dân ăn cá nóc nên phải nhập viện cấp cứu.
Theo thông tin ban đầu được báo Thanh Niên phản ánh, vào sáng 11/9, ghe biển của ông Trần Thanh Tuấn (ngụ ấp 7, xã Khánh Tiến) cặp bến và đánh bắt được khoảng 2 kg cá nóc. Ông Tuấn mang về chế biến và cùng nhậu với 4 người bạn khác.
Đến chiều cả 5 người này điều có những biểu hiện như: tê môi, tê lưỡi, chóng mặt, yếu tay chân đi không vững nên nhanh chóng được người thân đưa đi cấp cứu.
Cá nóc. Ảnh minh họa |
Chia sẻ với VOV, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện U Minh cho biết hiện cả 5 trường hợp ngộ độc do ăn cá nóc đã qua cơn nguy kịch và đang được các y, bác sĩ tiếp tục theo dõi, điều trị.
Có không ít những trường hợp ngộ độc cá nóc nhưng đây vẫn là món nhậu ưa thích của nhiều người. Ở Việt Nam, cá nóc còn được gọi là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà,… người Mỹ gọi là pufferfish, và Nhật Bản gọi là cá fugu.
Cá nóc phân bố chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới, ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Trung bình cá nóc có thân dài 4 đến 40cm, thân chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng.
Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người.
Trang Vũ (tổng hợp)