Ấn Độ - Quốc gia dân chủ lớn nhất châu Á đã bắt đầu lên tiếng về tranh chấp trên Biển Đông. Đây thực sự là thách thức cho Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông trở thành điểm nóng tại khu vực và quốc tế trong thời gian gần đây
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã bắt đầu có tiếng nói nhiều hơn cho những gì mà họ cảm thấy đúng về 5 tranh chấp lãnh thổ chính tại Biển Đông để giải quyết những sự khác biệt. Điều đặc biệt thú vị là những lời nói của New Delhi ngày càng cụ thể hơn và nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Ngày 11/3, tờ Manila Times đưa tin đại sứ Ấn Độ Shri Lalduhthlana Ralte tại Philippines nói rõ rằng Ấn Độ ủng hộ luật pháp và trọng tài quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp. “Quan điểm của chúng tôi đối với loại tranh chấp (như thế này) là những nước có yêu sách phải tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế để các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình. Chúng ta nên nghe theo vào luật pháp quốc tế”, Ralte nói.
Ý kiến của ngài đại sứ cũng từng xuất hiện trong một loạt tuyên bố Chính sách của New Delhi, chủ yếu bắt đầu từ năm 2013. Hồi đó, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã lưu ý rằng: “Môi trường hàng hải ổn định là điều kiện cần thiết để thực hiện nguyện vọng khu vực tập thể của chúng ta”.
“Chúng tôi hoan nghênh các cam kết chung của những nước có liên quan tuân thủ thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 và hướng tới việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông dựa trên cơ sở đồng thuận. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc thành lập Diễn đàn Hàng hải Asean mở rộng để phát triển các quy tắc hàng hải nhằm củng cố luật pháp quốc tế có liên quan đến an ninh hàng hại hiện có”.
Những tuyên bố này không thu hút được nhiều sự chú ý. Bắc Kinh có thể lo lắng trước sự quan tâm của New Delhi tới tình hình Biển Đông. Nhưng các tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ ít cho thấy khả năng nước này sẽ hậu thuẫn cho một cơ chế giải quyết cụ thể. Đầu năm 2014, Shri Anil Wadwa, Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã cho thấy nước này quan tâm tới tranh chấp khu vực này rõ ràng hơn. “Chúng tôi ủng hộ các đường, kênh thương mại và truyền thông cần được mở. Dĩ nhiên là vùng biển – theo LHQ, luật pháp quốc tế về biển – là của chung cho tất cả các quốc gia sử dụng. Chắc chắn chúng tôi rất lo lắng. Lập trường của chúng tôi luôn luôn là: Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải trên biển. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả các nước trong khu vực tuân thủ các công ước quốc tế về luật biển trong vấn đề này”, ông giải thích.
UNCLOS và “tự do hàng hải” là từ vựng mà Ấn Độ dùng để nói về tình hình Biển Đông. Những hùng biện của ông Wadhwa vẫn tồn tại sau khi Ấn Độ thay đổi chính phủ vào tháng 5/2014. Khi ông Narendra Modi lên nắm quyền, rồi sang Mỹ, lần đầu tiên Mỹ và Ấn Độ đã ra tuyên bố chung về Biển Đông. Trong tuyên bố tháng 10/2014, sau chuyến thăm như vũ bão của ông Modi tới Mỹ, Biển Đông rõ ràng là điểm nhấn tập trung. Ngay trước chuyến thăm đó, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã tới Việt Nam, ký vào tuyên bố chung với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vấn đề tương tự. Ngoài ra, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Ấn Độ vào tháng 1/2015, tuyên bố chung Mỹ-Ấn một lần nữa đề cập tới vấn đề này.
Trở lại tuyên bố của Đại sứ Ấn Độ tại Philippines, chúng ta cuối cùng cũng nắm được lập trường cuối cùng của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông: trọng tài quốc tế. Trước đó, Ấn Độ và Bangladesh cũng đã giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển mùa hè năm 2014 thông qua vai trò trung gian của trọng tài quốc tế (phán quyết ủng hộ Bangladesh). Các nhà quan sát nhận thấy Ấn Độ ưu tiên cho trọng tài. Điều thú vị là bình luận ngay sau tuyên bố của Ralte: “Cho dù chúng ta là nước mạnh hơn, về chính trị hay kinh tế, chúng ta vẫn nên tuân theo nguyên tắc đã được quốc tế chấp nhận”. Hàm ý của câu nó này rất rõ đối với các nhà quan sát Trung Quốc.
Tuy nhiên, các tuyên bố của đại sứ Ấn Độ không mấy ý nghĩ cho đến khi chúng được Thủ tướng Ấn Độ nhắc lại tại thủ đô của các nước khu vực Đông và Đông Nam Á. Ấn Độ đã cho thấy họ muốn xem tình hình Biển Đông được giải quyết như thế nào, cùng với các quốc gia dân chủ khác, chủ yếu là Mỹ, liên kết trong việc phản đối Trung Quốc. Và một khi quốc gia dân chủ lớn nhất châu Á đã lên tiếng, điều này thực sự là thách thức đối với Bắc Kinh.
Bảo Linh (tin tức Thediplomat)