Vụ bê bối triệt sản tại Ấn Độ đã lan rộng khắp thế giới khi các nhân viên điều tra y tế công bố có thành phần bả chuột trong thuốc phẫu thuật.
Khelan Bai, bà của một nạn nhân tử vong sau khi trải qua phẫu thuật triệt sản tại một bệnh viện di động của chính phủ
Có ít nhất 1 lô thuốc kháng sinh dùng cho việc triệt sản bị nhiễm phosphua kẽm (zinc phosphide), một thành phần chính của thuốc diệt chuột, gây ra cái chết của 14 phụ nữ Ấn Độ tính đến thời điểm hiện tại.
Các cơ quan chức năng đã xét nghiệm thuốc sau khi được thông tin phát hiện thấy kẽm phosphide tại nhà máy của Mahawar Pharmaceuticals ở gần đó. Công ty này đang là tâm điểm điều tra về những ca tử vong trong chiến dịch kế hoạch hóa gia đình của chính phủ. Chính quyền bang đã thu giữ 200.000 viên Ciprocin 500 và hơn 4 triệu viên thuốc khác do Mahawar sản xuất.
Sau khi uống thuốc và trở về nhà, nhiều nạn nhân phải đi cấp cứu trong tình trạng huyết áp thấp, khó thở, nhức đầu, có dấu hiệu sốc.
Hàng loạt phụ nữ thiệt mạng sau khi trải qua phẫu thuật triệt sản tại Ấn Độ
Trước đó, các nhà chức trách cho biết ít nhất 11 phụ nữ thiệt mạng và hơn 62 người phải nhập viện sau khi tiến hành phẫu thuật triệt sản tại một phòng khám di động của chính phủ. Và đã có hàng trăm người chết vì phẫu thuật kể từ khi chiến dịch này được tiến hành.
Những người chết và bị thương nằm trong số hơn 80 phụ nữ đến “trại” phẫu thuật triệt sản tại quận Bilaspur ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, R.K.Vange, giám đốc phòng Y tế của khu vực cho biết. Mỗi phụ nữ đã nhận được 1.400 rupe (23 USD) để triệt sản.
Theo tin tức từ tờ Guardian, nhà máy dược Mahawar bị cấm hoạt động trong vòng 90 ngày vào năm 2012 sau khi công ty được phát hiện sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Mahawar vẫn không bị tước giấy phép. Bác sĩ phẫu thuật triệt sản, ông RK Gupta cũng bị bắt giữ hồi tuần trước và hiện bị giam nhưng ông này đã phủ nhận mọi trách nhiệm.
Nguyên nhân được đưa ra là trong thuốc phẫu thuật có thành phần bả chuột
Tổ chức Giám sát Nhân quyền HRW đã lên ánh chương trình triệt sản của quan chức y tế Ấn Độ nhằm kiềm chế tăng dân số. Những phụ nữ được trả tiền hoặc bị ép phải trải qua phẫu thuật trong điều kiện mất vệ sinh.
Nhóm đã kêu gọi Ấn Độ tập trung nỗ lực hơn nữa vào biện pháp ngừa thai và thắt ống dẫn tinh ở nam giới bởi đây là những thủ tục ít nguy hiểm hơn.
“Đây là những tin tức gây sốc nhưng không đáng ngạc nhiên bởi điều đó gần như không thể tránh khỏi do điều kiện không an toàn, phi đạo đức và mất vệ sinh vốn vẫn tồn tại ở khắp những trại di động kiểu này ở Ấn Độ”, Kerry McBroom, Giám đốc Sáng kiến quyền Sinh sản thuộc Mạng lưới Luật Nhân quyền tại New Delhi nói.
Những “trại” di động này rất phổ biến trong nỗ lực kiểm soát dân số của chính phủ Ấn Độ. Thông thường, phụ nữ bị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ép đến đó và những trại này nằm tại các địa điểm rất mất vệ sinh. Hàng trăm phụ nữ đã bị chết khi tiến hành triệt sản, McBroom trích dẫn số liệu của chính phủ cho biết.
Bảo Linh (Theo Reuters/Guardian/CNN)