Trong tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 được thông qua chiều tối 6/8, các Ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây ở Biển Đông.
Đó là nội dung của bản Tuyên bố chung được các ngoại trưởng ASEAN đưa ra ngày 6/8 để kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Malaysia.
Tuyên bố chung dài 28 trang được đăng tải trên trang web của ASEAN, đề cập nhiều lĩnh lực hợp tác của các nước thành viên và với các quốc gia đối tác.
Vấn đề Biển Đông, theo Tuyên bố, được nhiều ngoại trưởng quan ngại với việc cải tạo đất ở nhiều đảo, bãi đá, gây ra tranh cãi giữa các bên tranh chấp.
Điều này đang làm xói mòn lòng tin, sự tin tưởng giữa các bên, làm tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và cả sự ổn định của Biển Đông.
Các ngoại trưởng của ASEAN không đề cập trực tiếp tên Trung Quốc trong Tuyên bố chung, nhưng giới quan sát đều hiểu ASEAN đang nói đến Trung Quốc, nước thực hiện các hoạt động xây đắp phi pháp trên 7 đảo chiếm của Việt Nam. Chính Bắc Kinh làm cho hội nghị của ASEAN và Đông Á nóng lên vì Biển Đông.
Bản Tuyên bố kêu gọi các bên tuân thủ những cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế các hoạt động, tránh làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng và tránh đe dọa, sử dụng vũ lực. Bản Tuyên bố kêu gọi thực hiện theo UNCLOS.
Tuyên bố chung được các thành viên tranh cãi gay gắt trước khi đạt được sự thống nhất vào thời điểm cuối cùng của ngày 6/8. Ảnh: AP |
Các ngoại trưởng thúc giục hoàn tất Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bằng cách tăng cường tham vấn giữa các bên. Các ngoại trưởng nhất trí với đề xuất của Indonesia thành lập đường dây nóng ở cấp chính phủ giữa ASEAN và Trung Quốc để giải quyết những vấn đề cấp bách bằng cách can thiệp kịp thời để tránh đối đầu, xung đột ở Biển Đông.
Tuyên bố chung được các thành viên tranh cãi gay gắt trước khi đạt được sự thống nhất vào thời điểm cuối cùng của ngày 6/8.
Tranh cãi xoay quanh việc ASEAN nên có phản ứng mạnh với mức độ như thế nào trước hành động gây hấn của Bắc Kinh: mở rộng đảo, xây dựng căn cứ quân sự phi pháp ở vùng biển đang tranh chấp, theo AFP.
Tuy nhiên, điều này lại không được đề cập trong bản Tuyên bố chung như kỳ vọng, dù đó là nội dung chiếm trọn các cuộc họp của ngoại trưởng ASEAN cũng như của ASEAN với các đối tác. Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, AFP cho hay ASEAN gần như ‘cạn kiệt’ sự kiên nhẫn từ mấy năm qua, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt cải tạo đất, xây dựng ở Biển Đông.
Dù Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị tuyên bố trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN rằng Bắc Kinh đã ngưng cải tạo đất, xây dựng, nhưng không có nhiều nước thành viên trong ASEAN cũng như Mỹ cho rằng những tuyên bố của Bắc Kinh thông qua ông Ngoại trưởng là đáng tin cậy.
Ngoài những vấn đề của khu vực và Biển Đông, Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng đề cập đến tình hình ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân Iran.
Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) có sự tham gia của ngoại trưởng 27 nước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, trong đó có hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc và nguy cơ quân sự hóa những nơi này.
Quan chức này cũng thúc giục sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để ngăn ngừa xung đột và giải quyết các bất đồng.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước tham gia cấp cao Đông Á lần thứ 5, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ này một lần nữa cáo buộc Trung Quốc cản trở sự tự do đi lại trên biển và trên không ở biển Đông bất chấp những cam kết không làm thế.
Theo ông Kerry, việc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở trên đảo nhân tạo ở Biển Đông để phục vụ những mục đích quân sự có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
“Sự tự do đi lại trên biển và trên không là những trụ cột quan trọng của luật pháp hàng hải quốc tế. Bất chấp lời cam kết tôn trọng những sự tự do trên, chúng ta đã chứng kiến điều ngược lại trong những tháng gần đây.
Tôi nói rõ là Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào đối với sự tự do đi lại trên không và trên biển cũng như hạn chế đối với việc sử dụng hợp pháp vùng biển” - ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.
Theo Reuters, ông Kerry có ý nhắc đến việc Trung Quốc không ít lần cảnh báo máy bay Philippines và máy bay Mỹ đến gần những đảo nhân tạo phi pháp mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chứng kiến những động thái làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc, Nhật Bản đang cân nhắc tặng Philippines 3 máy bay Beechcraft TC-90 King để tuần tra Biển Đông. Theo Reuters hôm 6/8, Nhật Bản vẫn chưa chính thức ngỏ lời với Philippines về kế hoạch nói trên.
Thanh Ngọc