Làng này ghét lũ phóng viên chúng mày. Toàn những đứa viết lung tung, nói bì lợn thối. Không có bì lợn thối dân làng này chết đói à. Làng nghề bao năm nay nếu không làm ăn nghiêm túc có khối mà tồn tại được”. Đó là lời nói gay gắt của bà bán nước chè tự xưng là bảo vệ của làng Bình Lương, Thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm Hưng Yên.
Giả dạng vào làng và những phát hiện gây sốc
Để không bị lộ danh tính, chúng tôi phải đóng giả người đi mua bì lợn về làm nem. Ngồi tại quán nước đầu làng, cứ khoảng 10 phút lại có người chở bì lợn về với tải to, tải bé phía sau xe máy.
Tâm sự với PV bà bán nước cho biết: “Cứ tầm 12h đến 1h chiều người dân đi gom bì lợn tại các chợ về đông như hội. Riêng ô tô cứ 2 hoặc 3 ngày lại chở vài xe bì lợn về làng”.
Con đường về làng Bình Lương- Thị Trấn Như Quỳnh- Hưng Yên. |
Theo quan sát của PV, có người chở 1 bao tải và 2 túi bì lợn đặt ở ngoài đường ngay lối rẽ qua cầu vào làng. Chiếc bao tải chứa bì lợn mãi không thấy ai ra nhận, ruồi nhặng bâu đầy. Thấy vậy PV mon men tiếp cận, bí mật chụp hình và bị bà bán nước phát hiện. Ngay lập tức bà ta giật điện thoại của phóng viên rồi hét toáng lên: “Thì ra chúng mày là PV đến đây theo dõi rồi viết linh tinh về làng nghề. Mọi người đâu ra đây, có tụi PV chụp ảnh bì lợn này. Để tao gọi công an cho bọn này trận”.
[mecloud]gFahZ9A04e[/mecloud]
Bà bán nước vừa nghe điện thoại vừa gọi mấy nam thanh niên đứng ở phía bên kia cầu sang. Một nam thanh niên chạy tới, mặt hằm hằm cầm chiếc điện thoại của PV rồi kiểm tra mục hình ảnh. Sau một hồi kiểm tra nam thanh niên này trợn mắt nhìn PV rồi nói với bà bán nước: “Nó có chụp được mấy cái rồi đây này".
Bà này tiếp tục la lên: "Gọi thêm mấy người nữa ra đây, chúng nó đóng giả đến đây mua hàng rồi chụp hình viết lên báo. Để tao ghi biển số xe của chúng nó, nếu hôm nay có thông tin gì trên báo chúng tao sẽ tìm đến tận nơi cho chúng mày trận”.
“Làng này ghét lũ phóng viên chúng mày. Toàn những đứa viết lung tung, nói bì lợn thối. Không có bì lợn thối dân làng này chết đói à. Làng nghề bao năm nay nếu không làm ăn nghiêm túc có khối mà tồn tại được”, người phụ nữ trên nói tiếp trong tức giận.
"Nếu bị quây thì chỉ có van xin và tịch thu đồ nghề"
Khoảng 10 phút sau, một người đàn ông tự xưng mình là trưởng công an xã đến và nói: “Đã có rất nhiều phóng viên đến đây và bị người làng quây đánh. Nếu không tin các cô cứ thử vào một hộ dân và chụp hình, ngay lập tức sẽ có người túm cổ lại. Nếu đã bị quây thì chắc chắn chỉ có van xin và tịch thu hết đồ nghề để khỏi phải viết. Nếu các cô muốn viết gì vào thẳng chính quyền gặp, chúng tôi sẽ cung cấp hết chứ đừng lượn lờ xung quanh làng rồi thấy gì viết nấy, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của cả cái làng này là không được”.
Đã có quá nhiều bài phản ánh làng Bằng Lương làm ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng bì thối, dùng ô xy già tẩy trắng… Có lẽ vì vậy, dân làng dị ứng và rất cảnh giác với phóng viên.
Vì không tìm được chứng cứ chứng minh chúng tôi là PV nên nói xong người đàn ông phóng xe máy đi. Có vẻ không còn nghi ngờ chúng tôi là PV nữa bà bán nước tiếp tục chia sẻ: “Tôi bán nước chè ở đây mỗi ngày kiếm vài chục tội gì phải làm bì lợn cho còng lưng. Bì lợn của làng này có nhiều loại. Loại còn nguyên miếng, ngon sẽ được làm nem và bóng bì, loại vụn, thiu sẽ thu gom và đổ buôn cho người Trung Quốc và họ đánh xe về tận làng lấy, không phải loại thiu thối nào cũng đem ra làm”.
Theo tìm hiểu của PV, cả làng Bình Lương có tới hơn 400 hộ tham gia sản xuất và chế biến bóng bì. Tính trung bình các hộ sơ chế tới gần chục tấn bì lợn mỗi ngày. Bì lợn được nhập từ những chợ đầu mối, lò mổ của vùng lân cận. Những lúc bì lợn khan hiếm hết hàng, dân làm bóng bì phải đi gom hàng từ khắp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…
Để tránh đội chi phí, bì lợn gom được sẽ tập kết tại một điểm, sau đó đợi đủ chuyến rồi mới theo xe khách về Bình Lương. Thu gom, vận chuyển như thế cũng mất hơn 2 ngày, nên bì lợn khi về tới nơi chế biến bị ôi thiu và bốc mùi nồng nặc đen sẫm lại, ruồi nhặng bám đầy.
Chị N. người thôn khác chia sẻ: “Gần 10 năm trước món bóng bì lợn là đặc sản ở đây, nhất là dịp lễ tết, cưới hỏi, nhưng dạo gần đây xung quanh khu vực này không ai ăn nữa vì nhìn tận mắt người ta chế biến nên không ai dám ăn nghĩ tới”.
với cách hành xử kiểu “phép vua thua lệ làng”của người dân thôn Bằng Lương và những nguồn nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh, không ai khác người tiêu dùng sẽ mãi là đối tượng hứng chịu hậu quả trước một thực phẩm từ lâu được coi là không an toàn như nem và bóng bì mà nơi đây gọi là miếng cơm manh áo.
Theo Báo Đời sống pháp luật