Nước
Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người vì nước chiếm đến 70 – 80% trọng lượng cơ thể. Một người trưởng thành có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 – 4 ngày.
Không chỉ vậy, nước còn là "liều thuốc" để bạn kéo dài tuổi thọ bởi nhiều bệnh xuất hiện do không uống đủ nước. Một số vấn đề sức khỏe sẽ xảy ra khi không uống đủ nước bao gồm: tăng nguy cơ đột quỵ, thận hoạt động kém, tim hoạt động kém, rối loạn chức năng đường ruột, mất tập trung, đau đầu, suy giảm hệ thống miễn dịch,… Vì vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo lượng nước uống là 8 ly một ngày (227 ml/ly) theo khuyến nghị.
Ngoài nước lọc, mọi người cũng cần bổ sung cho cơ thể một lượng thích hợp nước ép trái cây, các loại súp/canh một cách điều độ để tăng lượng nước.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ 4 thời điểm tốt nhất trong ngày để uống nước nhằm tăng tuổi thọ. Một cốc nước buổi sáng sau khi thức dậy có tác dụng nhuận tràng và dưỡng ẩm. Sau khi ngủ trưa, cơ thể sẽ bị tiêu hao năng lượng do phải tiêu hoá bữa trưa, từ đó gây ra mệt mỏi. Do đó, uống một cốc nước trong khoảng 13-15h giúp bạn chống buồn ngủ và hạ lipid máu. Một ly nước trước bữa ăn tối như một "liều thuốc" để giải độc thận và ngăn ngừa sỏi. Cuối cùng, bạn cần uống nước trước khi đi ngủ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài 4 thời điểm này, phần còn lại có thể bổ sung khi cần thiết.
Giấc ngủ
Hai nghiên cứu đặc biệt đã chỉ ra ngủ sớm hơn có thể góp phần kéo dài tuổi thọ và tăng cường trí nhớ. Nghiên cứu đầu tiên do Trường Y Harvard (Mỹ) thực hiện, đã xem xét hơn 2.800 người từ 65 tuổi trở lên.
Kết quả cho thấy, những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người ngủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm, theo Express.
Những kết quả này sau đó đã được xác nhận bởi một nghiên cứu khác ở châu Âu đã kiểm tra dữ liệu từ gần 8.000 người tham gia. Kết quả cho thấy, người từ 50 đến 70 tuổi, nếu ngủ 6 tiếng trở xuống mỗi đêm, sẽ bị tăng 30% nguy cơ sa sút trí tuệ, so với ngủ 7 tiếng một đêm.
Ngược lại, một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, những người có khuynh hướng mắc bệnh Alzheimer, nếu có giấc ngủ ngon hơn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh này. Ngoài ra, các nhà khoa học thần kinh của Trường Y Harvard cũng xác định được mối quan hệ nhân quả bất ngờ giữa việc thiếu ngủ và tử vong sớm.
Như vậy có thể nói, giấc ngủ ngon là "thực phẩm chức năng" tốt nhất, đơn giản và hiệu quả để duy trì một cơ thể khoẻ mạnh.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, giờ đi ngủ khoa học nhất là khung từ 22h đêm đến 1h sáng. Việc bạn ngủ 5 phút trong khung giờ này tương đương với một giấc ngủ 6 tiếng ở các khung giờ khác. Giấc ngủ trưa từ 11-1h cũng đem lại hiệu quả tương tự.
Đồng thời tư thế nằm ngủ hình cánh cung nghiên bên phải có thể giảm lực của tâm trái đất lên cơ thể khiến bạn cảm thấy thư thái, dễ chịu hơn.
Đi bộ
Một số nghiên cứu đã xác nhận tập thể dục cường độ nhẹ giúp kéo dài tuổi thọ, nhưng một nghiên cứu được công bố trên British Medical Journal đã kiểm tra mối liên quan giữa thời gian đi bộ và tuổi thọ.
Các tác giả đã theo dõi 27.738 người tham gia từ 40 đến 79 tuổi và thu thập dữ liệu về tuổi thọ của những người tham gia trong khoảng thời gian 13 năm. Kết quả cho thấy, những người từ 40 tuổi, nếu đi bộ 1 giờ mỗi ngày có tuổi thọ cao hơn so với những người đi bộ ít hơn 1 giờ mỗi ngày.
Ngoài tuổi thọ cao hơn, những người từ 40 tuổi, nếu đi bộ 1 giờ mỗi ngày cũng tốn kém chi phí chữa bệnh ít hơn so với những người đi bộ ít hơn 1 giờ mỗi ngày.
Trong phần kết luận của mình, các nhà nghiên cứu cho biết: "Mọi người nên đi bộ để kéo dài tuổi thọ và giảm chi phí y tế suốt đời, đặc biệt là đối với nam giới".
Bên cạnh đó, các bằng chứng cho thấy không chỉ thời gian đi bộ quan trọng, mà tốc độ đi bộ cũng có tác động rất lớn. Nghiên cứu theo dõi thói quen đi bộ và tử vong của gần 475.000 người ở độ tuổi 50 cho thấy, những người đi bộ nhanh thì sống lâu hơn những người đi bộ chậm.
Đặc biệt, đi bộ nhanh được coi là một bài tập thể dục nhịp điệu tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Bài tập đi bộ nhanh kết hợp với thuốc và kiểm soát chế độ ăn sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng bệnh.
Để việc đi bộ trở nên hiệu quả, bạn nên mang theo nước bên mình và uống một lượng nhỏ đều đặn để giữ đủ nước trong cơ thể. Nếu không, cơ thể luôn trong tình trạng thiếu nước, tăng áp lực và gánh nặng cho cơ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả đi bộ.
Ngoài ra, trước khi đi bộ, việc thực hiện một số động tác nhẹ nhàng để khởi động là điều cần thiết nhằm chắc chắn rằng cơ, xương sẵn sàng cho việc chuyển động. Hãy dành ra 5 phút khởi động nhẹ nhàng và nên đi chậm khi mới bắt đầu để giảm các chấn thương có thể xảy ra.