Theo đó, đề bài toán có câu hỏi như sau: "Lớp 2A có một số học sinh, cô giáo xếp thành 4 hàng, mỗi hàng có 9 bạn. Hỏi lớp 2A có bao nhiêu học sinh?".
Dù cùng ra một đáp án là 36, nhưng cô lại chấm sai và cách sửa của cô cũng không khiến bà mẹ tâm phục vì 4x9 với 9x4 có gì là khác nhau.
"Các thầy cô cho em hỏi với đề bài như trên, con giải bài toán như trong ảnh sao lại sai ạ? 4x9 khác 9x4 ạ? Cảm ơn thầy cô ạ!", người mẹ đăng đàn hỏi.
Một bài toán với phép nhân thông thường, dù có đáp số đúng nhưng cô giáo vẫn sửa 4x9 = 36 thành 9x4 =36 khiến bà mẹ này có phần khó hiểu bởi tư duy của người lớn thì và thực tế nhiều phụ huynh khác vẫn nghĩ nó không có gì khác nhau cả, bởi phép nhân có tính giao hoán và các con cũng đã được học.
Đây cũng là câu hỏi chung cho nhiều bậc cha mẹ có con học lớp 2 vì họ không hiểu chúng thực sự khác nhau điều gì và vì sao cách giải toán của con mình lại sai?
Thắc mắc của các vị phụ huynh này đã được số đông giải thích như sau: Dù không khác gì nhau, cũng cho kết quả giống nhau, nhưng điều căn bản nhất là nó khác nhau về ý nghĩa phép tính.
Khi cô hỏi số học sinh thì bài giải phải là số học sinh nhân mỗi hàng nhân với số hàng (kết quả bài toán này phải lấy 9+9+9+9 = 9x4), chứ không phải số hàng nhân với số học sinh(4+4+4+4+4+4+4+4+4 = 4x9). Như thế dễ khiến học sinh lẫn lộn về ý nghĩa của bài toán và có thể gây nhầm lẫn cho những bài toán khác.
Tóm lại, vấn đề bài toán nằm ở việc phải cộng người với nhau chứ không phải cộng hàng. Rất nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với giáo viên vì nếu học trò không sớm hiểu được cặn kẽ bản chất thì rất dễ để lại những hậu quả nghiêm trọng trong tính toán.