Để chuẩn bị cho dịp lễ Hiến sinh năm nay, Ấn Độ đã bắt đầu bán những con cừu, dê làm vật hiến tế. Đặc biệt, năm nay họ tập trung bán gia súc trên Internet.
Ấn Độ đang có tham vọng trở thành nền kinh tế 20.000 tỷ USD nhờ Internet. Nhìn vào thực tế, từ năm 2013, các công ty thương mại điện tử Ấn Độ đã thu về hơn 8,6 tỷ USD thông qua những kênh bán hàng trực tuyến.
Những cái tên như Flipkart, Snapdeal hay Amazon India nhanh chóng trở thành địa chỉ mua hàng quen thuộc của tầng lớp trung lưu thành thị nói tiếng Anh tại Ấn Độ.
Người dân yêu thích cách thức mua bán qua mạng vì theo họ, đây là lựa chọn hợp lý khi muốn dành hàng giờ để so sánh các mặt hàng và cân nhắc trước khi mua. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ không bị quấy rầy bởi các nhân viên tư vấn bán hàng.
Điểm thú vị là tại Ấn Độ, không chỉ có những mặt hàng thông thường mới được bán qua mạng Internet. Năm nay, mọi người sẽ lấy làm ngạc nhiên khi xuất hiện mặt hàng gia súc. Để chuẩn bị cho dịp lễ Eid-al-Adha (lễ Hiến Sinh) vào thứ 6, các trang mạng đã bắt đầu rao bán dê và cừu.
Một trang web rao bán gia súc tại Ấn Độ. Ảnh: Internet |
Theo những người am hiểu công nghệ ở Ấn Độ, những người mua sẽ không phải chịu đựng mùi hôi thối và sự chen chúc, nóng nực trong các khu chợ bán gia súc. Thay vào đó, họ có thể thoải mái ngồi ở nhà và chọn gia súc chỉ bằng một cú click chuột.
Chợ trực tuyến OLXvà Quickr là những nơi như thế. Tại đây tập trung bán hàng trăm con dê trên khắp Ấn Độ, với mức giá từ vài USD đến cao nhất là 10.000 USD một con. Khách hàng có thể thoải mái chọn lựa những con dê ưng ý nhất trước khi tiến hàng giao dịch.
Thông tin trên CNN, vào dịp lễ Hiến tế năm nay tại Ấn Độ, tiểu bang Maharashtra có số lượng tiểu thương kinh doanh động vật hiến tế trên chợ trực tuyến đông nhất, sau đó là các tiểu bang Kerala, Telangana, Karnataka, …
Những người bán cho rằng kinh doanh trực tuyến tốt hơn so với kinh doanh truyền thống. Theo họ, buôn bán online sẽ không phải phụ thuộc vào những người môi giới.
Tuy nhiên, họ cũng nhận định rằng không nhiều khách hàng sẵn sàng mua cừu và dê trên mạng. Vì theo tâm lý chung của người mua, sẽ khó để đánh giá một con vật chỉ bằng cách nhìn vào hình ảnh trên trang web, liệu con vật có khỏe mạnh hay không ?
Phần lớn khách hàng luôn muốn gặp trực tiếp người bán để kiểm tra lần cuối những con cừu, dê trước khi thanh toán. Theo người mua, họ rất thích cách mua hàng trực tuyến vì nó thuận tiện, nhưng đối với mặt hàng gia súc, họ muốn nhìn thấy trực tiếp rồi mới quyết định mua hay không.
Hoài An (tổng hợp)