Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, ở đảo Song Tử Tây đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 11.
Hồi 10 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách Bình Định - Khánh Hòa khoảng 680km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Bình Định - Khánh Hòa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 9,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 10,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 21/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành một vùng áp thấp.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): cấp 4.
Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển:
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với Không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội.
Từ đêm nay (18/12), ở vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, từ ngày mai tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Ở vùng biển ven bờ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ ngày mai tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động dữ dội.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ đêm nay (18/12) đến ngày 20/12, trên đất liền các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8; giật cấp 9.
Cảnh báo mưa lớn: Từ đêm nay (18/12) đến hết ngày 19/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Liên quan đến cơn bão mạnh đang ở biển đông, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên sơ tán hàng nghìn người dân ra khỏi vùng sạt lở, triều cường xâm thực, để ứng phó với bão Rai và phòng tránh lũ lụt.
Cụ thể, trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay Rai là cơn bão mạnh, bất thường và nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này đã phối hợp với các đơn vị, địa phương hoàn thành việc kêu gọi tất cả các tàu, thuyền trong vùng nguy hiểm của bão về nơi an toàn trước 17h ngày 18/12.
Các địa phương huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở để hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà ở; tổ chức di dời, sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn...
Theo ông Hiền, để ứng phó với bão Rai, Quảng Ngãi dự kiến sơ tán gần 8.000 người dân tại 22 xã ven biển và huyện đảo Lý Sơn đến nơi an toàn. Tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, triển khai "phương án kép", vừa phòng tránh bão Rai, vừa ứng phó với nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra do mưa lớn sau bão.
Tại Bình Định, các địa phương cũng gấp rút khơi thông dòng chảy các sông, suối; sơ tán dân ra khỏi vùng nguy cơ bị ngập lụt, ảnh hưởng triều cường đến nơi an toàn...