Vào ngày 16/12, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết bão Rai trên vùng biển Philippines đã mạnh lên thành siêu bão với sức gió mạnh nhất ở cấp 16, tức là từ 185 - 200 km/giờ và giật cấp 17.
Cơn bão này có hoàn lưu gió mạnh rất rộng, vùng gió cấp 6 trở lên có bán kính lên tới 300 km. Trong chiều tối hôm nay 17/12, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm nay.
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo công điện này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn cấp ứng phó với siêu bão Rai sắp vào Biển Đông, khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão, đặc biệt là phải đảm đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển; đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn.
Các địa phương phải nắm rõ số lượng phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác), đồng thời có hướng dẫn sơ tán, không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Các địa phương đồng thời phải chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, tránh để bất ngờ, bị động. Đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo vệ đê điều, hồ đập.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá bão Rai sẽ ma sát với địa hình khu vực miền trung Philippines có thể suy yếu 2 cấp và không còn là siêu bão nữa trước khi vào biển Đông. Trong 24 giờ tới, bão Rai có xu hướng dịch chuyển lên phía bắc, hướng quần đảo Hoàng Sa, sau đó hướng về phía Trung Quốc