Mạng quân sự Sina tại Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã không sa vào kế hoạch ranh ma nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad dưới vỏ bọc chiến dịch chống khủng bố chĩa vào Nhà nước Hồi giáo IS.
Bài xã luận gay gắt được đưa ra 3 ngày sau khi Mỹ tiến hành cuộc không kích mới tại Syria chống lại nhóm thánh chiến tàn bạo ISIL/ISIS cùng với sự hỗ trợ của một liên minh gồm các quốc gia Ả Rập. Các cuộc tấn công đã hỗ trợ phe đối lập ở Syria vốn vẫn đang bị gắn với cuộc nội chiến ác liệt chống chính phủ Syria do ông Assad dẫn đầu.
Mặc dù các cuộc không kích được thực hiện dưới danh nghĩa chống khủng bố nhưng rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của Washington sau khi loại bỏ được IS khỏi Syria chính là lật đổ chế độ Assad, bài báo khẳng định.
Bài xã luận nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thách thức được chiến lược của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông gọi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon để nói rằng Mỹ không nên thực hiện các cuộc không kích khi chưa được sự đồng ý của chính phủ Syria.
Trang web này cho biết rất có thể Mỹ có động cơ thầm kín khi thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS lần đầu tiên hồi tháng trước mà không có sự chấp thuận của Liên hợp quốc. Thêm vào đó, động cơ này “có thể suy ra” từ việc phân tích các lợi ích của Mỹ và lịch sử hiện đại của trò chơi địa chính trị.
Để củng cố thêm cho những phân tích của mình, biên tập viên bài báo còn nói thêm website trước đó từng mổ xẻ các cuộc tấn công chống lại đại tá Muammar Gaddafi, Libya do NATO dẫn đầu năm 2011.
Một chiến đấu cơ F-18 của Mỹ chuẩn bị không kích Iraq
Mỹ đang chuyển sự chú ý của mình đến Trung Đông sau khi khuấy đảo được tình hình giữa Nga và Ukraine hồi đầu năm nay bằng việc hỗ trợ lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych vào tháng 2, biên tập viên nói thêm. Bằng cách làm dấy lên cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Mỹ đã làm Nga – một trong những đối thủ lớn nhất của mình suy yếu và cũng có thể kích hoạt lại NATO, sắp xếp lại EU và các nước phương Tây khác theo chương trình nghị sự của mình.
Hiện nay, Mỹ đang sử dụng IS để gắn kết với những lợi ích ở Trung Đông, thành lập một liên minh gồm 54 quốc gia để loại bỏ tổ chức khủng bố cùng với sự hỗ trợ của EU, NATO và Liên đoàn Ả Rập. Một mình Ả Rập Saudi đã cam kết tài trợ chiến dịch này lên tới 500 triệu USD.
Biên tập viên cho rằng mọi người đều đã biết những gì mà Mỹ muốn nhưng họ vẫn tham gia chiến dịch này bởi thoát khỏi Assad họ cũng có lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không sa vào trò chơi của Mỹ bởi họ biết rằng Washington chỉ “nịnh bợ” Bắc Kinh để chấm dứt sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Nga.
Trung Quốc đã từ chối không tham gia liên minh chống IS cùng với Mỹ bởi Chính sách của Bắc Kinh là “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, Valentina Matviyenko hôm 23/9 rằng họ sẽ không bao giờ hỗ trợ hay tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cho dù Trung Quốc phải chịu áp lực như thế nào.
Khi nói đến Trung Đông, Trung Quốc không chỉ đơn giản là đứng bên lề bởi họ đã bán tên lửa đạn đạo DF-21cho Ả Rập Saudi và gần đây đã tiến hành cuộc tập trận với Iran tại Vịnh Ba Tư, bài xã luận cho biết.
Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc trong các vấn đề khác, kể cả kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào cuối năm nay. Điều này có thể sẽ khai thông việc bán các máy bay do thám tốt nhất P3-Orion của Mỹ cho Việt Nam đồng thời làm tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Mỹ cũng đang tiếp tục tăng cường quan hệ với Nhật – quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ gần đây đã bổ nhiệm đô đốc người Mỹ, sinh tại Nhật, Harry Harris làm chỉ huy mới để cải thiện liên lạc với quân đội Nhật Bản, biên tập viên cho biết.
Cuối cùng, bài báo kết luận cho dù Mỹ có làm gì thì cũng không thể ngăn được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tương lai, các cuộc xung đột đốivới Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức Wantchinatimes)