Lai lịch tàu ngầm kiểu mới mà Triều Tiên đang phát triển do vệ tinh chụp lại khiến nhiều người trong giới chuyên gia không khỏi bất ngờ.
Thông tin Triều Tiên phát triển tàu ngầm thế hệ mới được đăng trên website 38 North ngày 19/10. Đây là website do Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins quản lý.
Cụ thể, sau khi phân tích những hình ảnh vệ tinh được chụp từ năm 2010 đến nay, giới chuyên gia tại Viện nghiên cứu Mỹ - Triều Tiên phát hiện một chiếc tàu ngầm mới neo đậu tại vùng biển xung quanh xưởng đóng tàu Sinpo South, nằm ở phía Đông Bắc Triều Tiên.
"Việc nghiên cứu ảnh vệ tinh thương mại chụp các căn cứ tàu ngầm và xưởng đóng tàu của Triều Tiên từ năm 2010 tới nay cho thấy sự hiện diện của một tàu ngầm chưa từng được biết, buông neo ở vùng vịnh được bảo đảm an toàn ở xưởng đóng tàu Nam Sinpo", Joseph Bermudez, chuyên gia viết cho website 38 North cho hay.
Hình ảnh phân tích từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang sở hữu tàu ngầm kiểu mới
Tàu ngầm mới dài khoảng 67 m, rộng 6,6 m và có độ choán nước từ 900 - 1.500 tấn. Không có hình ảnh vệ tinh nào cho thấy chiếc tàu đã được trang bị ống phóng tên lửa và ngư lôi, theo website 38 North.
Tuy giới chuyên gia Mỹ thừa nhận chưa rõ nguồn gốc của chiếc tàu ngầm mới nhưng các chuyên gia này cho rằng, nhìn bề ngoài, tàu ngầm này giống tàu ngầm tuần tra hạng Lada hoặc Kilo của Nga, song thân tàu không có hình giọt nước như loại tàu ngầm cũ. Thay vào đó, tàu ngầm này có kích thước và hình dáng giống loại tàu ngầm hạng Heroj và Sava của Nam Tư trước đây.
Nhận định chiếc tàu ngầm này giống với tàu ngầm lớp Sava và Heroj của Nam Tư được cho là hợp lý nhất bởi trước đó Triều Tiên đã có trong tay bản thiết kế chi tiết hai loại tàu ngầm này, chuyên gia của trường Đại học Johns Hopkins cho biết.
Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên cho rằng nếu tàu ngầm mới có nguồn gốc thiết kế từ Nam Tư thì cũng không có gì bất thường vì Triều Tiên có được một số bản thiết kế tàu ngầm từ Nam Tư trong thập niên 1970. Rất có thể, Bình Nhưỡng đã phát triển tàu ngầm thế hệ mới của nước mình dựa trên những thiết kế này.
Tàu ngầm lớp Heroj được đóng trong giai đoạn 1964-1966 dưới thời Liên bang Nam Tư. Tàu có lượng giãn nước toàn tải khi nổi 1.170 tấn, khi lặn là 1.350 tấn, dài 64m, rộng 7,2 m, mớn nước 5 m, thủy thủ đoàn 55 người.
Tàu ngầm lớp Heroj được đóng trong giai đoạn 1964 -1966 dưới thời Liên bang Nam Tư
Heroj trang bị 2 động cơ diesel công suất 1.600 mã lực/chiếc, 2 động cơ điện 1.560 mã lực cho con tàu đạt tốc độ đến 30 km/h khi lặn, tầm hoạt động đến 9.700 km ở tốc độ 15 km/h.
Tàu ngầm lớp Heroj trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước và hệ thống định vị thủy âm, hệ thống chiến tranh điện tử. Về vũ khí, Heroj trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm với 10 quả ngư lôi hoặc 20 quả thủy lôi.
Bản thiết kế tiếp theo mà Triều Tiên có trong tay là tàu ngầm lớp Sava cũng được đóng dưới thời Liên bang Nam Tư, có lượng giãn nước 960 tấn khi lặn, dài 55,7 m, rộng 7,2 m, mớn nước 5,1 m, thủy thủ đoàn 27 người. Tuy nhỏ hơn Heroj nhưng Sava trang bị hệ thống động lực, hệ thống điện tử và vũ khí tương tự.
Việc Triều Tiên phát triển thành công tàu ngầm thế hệ mới cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đóng tàu nước này. Tuy nhiên, với bản thiết kế từ những năm 1960, không có gì đảm bảo rằng con tàu này có thể chiến đấu ngang sức với những tàu ngầm thế hệ mới của các đối thủ.
Theo ông Bermudez, hiện còn quá sớm để biết sứ mệnh của tàu ngầm này. Tuy nhiên, nếu thiết kế kiểu trên thành công và được đưa vào đóng như một tàu ngầm tuần tra, tàu ngầm mới này sẽ có thể đi xa hơn, thời gian tuần tra lâu hơn, vũ khí mạnh hơn loại tàu ngầm hiện nay Triều Tiên đang sở hữu.
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin