Chương trình Panorama của BBC vừa phát sóng một bộ phim tài liệu gây chấn động về Apple.
Mới đây một đoạn phim bí mật của chương trình BBC Panorama trên một dây chuyền sản xuất iPhone 6 mới. Những hình ảnh xuất hiện dày đặc trong video là trẻ em tại Indonesia phải lao động cực nhọc dưới bùn sâu, và tần suất làm việc cực nhọc trong nhà máy tại Trung Quốc khiến nhiều công nhân kiệt quệ.
Đoạn phim cho thấy tất cả những lời hứa của Apple về việc cải thiện điều kiện làm việc của công nhân đều là hứa hão.
Có rất nhiều khung hình ghi lại cảnh nhân viên kiệt sức nằm ngủ tại vị trí trong nhà máy
Theo đó, các tiêu chuẩn về giờ làm việc, thẻ ID, ký túc xá, các cuộc họp và độ tuổi của lao động vị thành niên đều bị phá vỡ tại nhà máy của Pegatron, nằm ở ngoại ô Thượng Hải.
Để thực hiện được đoạn phim chân thực này, BBC đã gửi ba đoàn nhà báo đóng giả công nhân tới nhiều nhà máy tại Trung Quốc để ghi hình. Hiện chưa rõ tên các nhà máy BBC điều tra.
BBC cho biết nhà máy đã làm giả giấy tờ để khi nhìn vào, người ngoài tưởng các công nhân này đồng ý làm ca đêm
Công nhân này đang cảnh báo đồng nghiệp không nên ngủ gật, nếu không anh ta có thể bị cuốn vào máy và giật điện
Một phóng viên của chương trình này – vào vai một công nhân sản xuất linh kiện cho máy tính Apple - cho biết, anh ta phải làm việc 18 ngày liên tiếp, mặc dù liên tục yêu cầu được có một ngày nghỉ. Một phóng viên khác cho biết ca làm việc dài nhất của anh kéo dài 16 giờ. “Mỗi lần trở lại ký túc xá, tôi gần như không muốn làm gì hết. Ngay cả khi rất đói, tôi không muốn ngồi dậy để ăn. Tôi chỉ muốn nằm xuống và nghỉ ngơi. Tôi không thể ngủ được vào ban đêm vì căng thẳng". Anh này cho biết, mình bắt gặp hàng loạt những công nhân vừa làm vừa ngủ gật tại dây chuyền và được cảnh báo đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm bởi họ có thể bị điện giật nếu vô tình chạm phải những sợi dây đặt trước mặt.
Tại Indonesia, BBC phát hiện ra có nhiều trẻ em phải làm việc tại những khu mỏ đầy bùn đất, nơi thường xuyên bị lở đất
Giờ làm thêm tại đây được cho là tự nguyện nhưng không ai trong số các phóng viên có mặt tại đây được cung cấp một lựa chọn khác. Trước và sau giờ làm việc, họ đều phải tham gia các cuộc họp không được tính vào giờ làm việc, ở trong ký xúc xá chật chội với 12 người.
Ngoài ra, BBC ghi nhận nhiều con số giật mình. Phòng ký túc xá có sức chứa 8 người, nhưng dồn ép tới 12 công nhân vào ở. Thái độ của quản lý cực kỳ thô bạo. Nhiều công nhân ngủ đứng trong phân xưởng vì họ phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày.
Nhịp độ làm việc dồn ép tới mức nhiều công nhân không còn sức để ăn. Một công nhân tâm sự anh mệt mỏi vì sản xuất iPhone tới nỗi khi về đến nhà, anh lăn ra ngủ luôn mà không kịp tắm.
Xác chết của các thợ mỏ tại đây được đặt trong một khu nhà xác. Tuy nhiên, khu nhà mày cũng đã bị chôn vùi bởi một vụ lở đất mới diễn ra cách đây chưa lâu
Người ta sử dụng máy xúc để đào hố chôn. Những cơ thể này gẫy vụn xương, còn miệng thì đầy cát
Thậm chí, chương trình Panorama còn đi xa hơn, tìm đến một chuỗi cung cấp linh kiện của Apple tại đảo Bangka, Indonesia. Apple cho biết, họ coi trọng đặc biệt đến chuỗi cung ứng vật liệu thiếc bởi nó là một thành phần quan trọng để tạo ra những chiếc iPhone. Trên thực tế, những người làm việc ở đây đều đào mỏ bất hợp pháp. Tại đây, trẻ em phải đào mỏ bằng tay trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm – chúng có thể bị chôn sống bất cứ lúc nào khi các bức tường bằng cát hoặc bùn sụp đổ. Rianto – cậu bé 12 tuổi – cho biết, cậu thường xuyên làm việc cùng với cha mình bên dưới một vách đá cao hơn 20m: “Cháu sợ sạt lở đất. Đất đá có thể trượt từ trên xuống bất cứ lúc nào”.
Apple lấy thiếc từ nhà cung cấp trung gian. BBC khẳng định mỏ khai thác thiếc xuất hiện trong đoạn phim hoạt động trái pháp luật Indonesia, tuy nhiên chưa có cơ sở khẳng định chắc chắn
Sau khi bùn trôi ra khỏi hang theo nước, các thợ khai thác mò mẫm dưới hố tìm quặng thiếc
Nhà hoạt động Mỹ Ralph Nader xuất hiện trong đoạn phim, khẳng định "tình trạng làm việc ở đây là không thể chấp nhận được về mặt sức khỏe". Còn BBC đưa tin 14 công nhân đã tự tử tại nhà máy Foxconn chuyên sản xuất sản phẩm cho Apple.
Phía Apple từ chối nhận phỏng vấn của chương trình nhưng tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định không công ty nào nỗ lực như Apple để đảm bảo điều kiện làm việc công bằng và an toàn như Apple”.
Trang Vũ