Trước thông tin 10 chiếc máy thở của Bộ Y tế cấp cho Bệnh viện Bạch Mai để chống sởi đều bị hỏng, lãnh đạo của bệnh viện đã có lý giải.
Ngày 17/4/2014, một số tờ báo đã đưa thông tin 10 chiếc máy thở trong số 30 chiếc được Bộ Y tế xuất cấp (không thu tiền) khi đến tay bệnh viện Bạch Mai thì chưa dùng đã hỏng. Các máy thở này đều bị hỏng sensor cảm biến và ắc quy. Trong đó, 4 máy bị hỏng nguồn và 2 máy bị hỏng màn hình.
Được biết, cả 10 máy này đều được huy động để tham gia công tác chữa trị cho trẻ em bị sởi ở phòng điều trị tích cực, khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai. Các máy này được chuyển đến bệnh viện hôm 16/4/2014.
Tuy nhiên, trả lời về thông tin này, đại diện bệnh viện Bạch Mai, ông Bùi Xuân Vinh, kỹ sư cao cấp, trưởng phòng vật tư và thiết bị y tế của bệnh viện hôm 18/4 cho biết: “Sở dĩ các máy này chưa đưa vào sử dụng ngay sau đó do các kỹ sư của bệnh viện còn phải thay thế các vật tư tiêu hao, sau khi thay thế xong, các thiết bị này đều hoạt động bình thường. Thông tin máy bị hỏng là không chính xác.”
Kỹ sư Bùi Xuân Vinh bên chiếc máy thở trung bình chuẩn bị được chuyển sang hỗ trợ bệnh viện Thanh Nhàn |
Lý giải thêm về vật tư tiêu hao của các thiết bị y tế này, ông Vinh cho biết: “Trong các thiết bị có những chi tiết có hạn sử dụng, khi lưu trong kho, hết hạn sử dụng thì phải thay mới. Nhưng chi tiết, vật tư này không giống như cái vỏ máy 5 năm, 10 năm vẫn trơ ra như vậy.
Tôi ví dụ như ắc quy của máy, các túi khí… đều có hạn sử dụng và định kỳ 3 tháng một, 6 tháng một phải thay. Đó gọi là những vật tư tiêu hao.”
Ông Vinh nói thêm: “Không chỉ dụng cụ của bộ y tế, mà của bệnh viện cũng có những vật tư này. Mỗi năm bệnh viện đều phải đấu thầu để mua vật tư thay thế.”
Chia sẻ về những chiếc máy này, Trưởng phòng Vật tư và Thiết bị Y tế nhận định: “Trong 10 máy chúng tôi nhận được, có 8 máy thở chức năng nâng cao và 2 máy thở chức năng trung bình. Đây là các thiết bị y tế đặc biệt, và được sử dụng phổ biến trong ngành y Việt Nam. Giá trung bình trên thị trường của máy thở trung bình khoảng 300 triệu, còn máy chức năng nâng cao khoảng 600 triệu.”
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết: “10 chiếc máy này về rất kịp thời, chúng tôi đã được bố trí lập tức 4 máy để điều trị cho các cháu. Máy thở chức năng nâng cao hiệu quả ở chỗ đưa được oxy trực tiếp vào phổi, điều mà các máy bình thường không làm được. Nhìn các cháu ở phòng điều trị tích cực đang thở phập phồng lồng ngực thế thôi, nhưng thực chất oxy không vào phổi.”
"Máy thở vào lúc này là vô cùng kịp thời và cấp bách" - Bác sĩ Dũng cho biết. |
Bên cạnh việc hỗ trợ máy thở cho các bệnh viện để đối phó với dịch sởi, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ sung 80,875 tỷ đồng cho Bộ Y tế từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014 để mua sắm một số trang thiết bị cho các bệnhh viện. Trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và mua thuốc Gamaglobulin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo, quản lý và sử dụng số kinh phí trên triệt để tiết kiệm và theo đúng quy định.
Cơ chế, Chính sách cho công tác phòng chống dịch sởi (điều trị dự phòng bằng thuốc Gamaglobulin và chế độ phụ cấp phòng chống dịch), thực hiện như đề nghị của Bộ Y tế tại công văn số 1977/BYT-KHTC. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện.
Một kỹ sư của bệnh viện cho biết, phòng vật tư đã phải làm việc vất vả nhiều ngày qua để sửa chữa những chiếc máy sởi này cho kịp yêu cầu sử dụng Một trẻ phòng điều trị tích cực, đã nằm viện 2 tháng vì bệnh sởi biến chứng thành viêm phổi |
Theo Đông Phong - Báo đất việt