Cây cầu hữu nghị Trung-Triều từng được hy vọng sẽ trở thành cầu nối thương mại và du lịch quan trọng giữa các tỉnh lạc hậu phía Đông Bắc Trung Quốc với vùng đặc khu kinh tế của Triều Tiên. Thế nhưng, theo hình ảnh vệ tinh mới nhất, dường như Bắc Kinh đã chi hơn 350 triệu USD để xây một cây cầu “chẳng dẫn tới đâu”.
Một tháng trước kỳ hạn thông cầu, bên phía Triều Tiên không có gì khác ngoài một đoạn đường dốc đầy rác, xung quanh là cánh đồng hoang, không hề có dấu hiệu của sự sống hay các tòa nhà thương mại. Con đường để nối với cây cầu bắt nguồn từ Trung Quốc vẫn chưa được hoàn thành.
Lễ thông cây cầu hữu nghị Trung-Triều bắc qua sông Áp Lục vào ngày 30/10 đã trôi qua mà không có một dấu hiệu nào cho thấy nó đã sẵn sàng cho việc thông thương. Chỉ có một bài báo trên Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, miêu tả sự tức giận của những người dân sống ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc trước sự trì hoãn việc thi công cây cầu mà họ vốn hy vọng sẽ tạo nên sự bùng nổ về mặt kinh tế cho thành phố mình. Bài báo cũng cho biết cây cầu dài 3 km này bị trì hoãn “vô thời hạn”.
Trong khi đó, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không hề đưa ra một phát ngôn chính thức nào.
Các nhà phân tích nước ngoài cho rằng tiến trình ngưng trệ này có thể ám chỉ sự thận trọng mà chính quyền Triều Tiên đang cân nhắc trước sự ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đối với nước này. Trong vài năm gần đây, sự ảnh hưởng đó ngày càng gia tăng khi Bình Nhưỡng bị các đối tác tiềm năng cô lập do chương trình hạt nhân và các vấn đề chính trị khác.
Kể từ khi thành lập, Triều Tiên luôn cẩn trọng trước việc lệ thuộc quá nhiều vào các “ông hàng xóm” quyền lực như Nga và Trung Quốc. Thời gian gần đây, các kênh thông tin chính thống ở Triều Tiên không nhắc nhiều đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thay vào đó lại đề cao tầm quan trọng của việc phát triển thương mại và quan hệ chính trị với Moscow. Ngày 17/11 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong Un đã gửi một nhóm đại biểu nòng cốt của đảng tới Nga để thảo luận về việc thúc đẩy các mối quan hệ kể trên.
Việc phát triển quan hệ với Moscow có thể “làm loãng” sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Triều Tiên cũng nhanh chóng tiến hành một số kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình, bao gồm cảng hàng không quốc tế mới tại Bình Nhưỡng và các dự án nhà ở cao cấp khác.
Ngay từ đầu phía Trung Quốc đã có hứng thú với cây cầu hữu nghị nhiều hơn là nước bạn với hy vọng tạo ra một sự liên kết mới giữa Đan Đông với khu vực phát triển kinh tế đặc biệt của Triều Tiên là Sinuiju. Hơn thế, Trung Quốc muốn phát triển tuyến đường nội địa với Triều Tiên để giúp các tỉnh Đông Bắc nước này có cơ hội xuất khẩu hàng hóa cũng như giảm được chi phí vận chuyển đường biển.
Cây cầu cũ, xây dựng năm 1937 khi Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản, có đường dành cho xe lửa, ô tô con và ô tô tải. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông chỉ lưu thông được một chiều vào thời điểm đó. Thông thường, các phương tiện sẽ di chuyển một hướng vào buổi sáng và hướng còn lại vào buổi chiều.
Một tia hy vọng cho việc hoàn thành cây cầu vẫn được hé mở khi Bình Nhưỡng tuyên bố tiếp tục thúc đẩy việc thông thương với nước ngoài tại Sinuiju và một số nơi khác. Các quan chức Triều Tiên trong dự án Sinuiju cũng cho biết cây cầu mới là yếu tố quan trọng cho kế hoạch mang các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực chiến lược của nước này.
Hy vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực rộng 40 km2 vốn phần lớn vẫn đang là đồng ruộng này vẫn chưa được hiện thực hóa. Nhưng theo lời của quan chức chính phủ Kim Hak Yong, hy vọng dành cho tương lai của Sinuiju là rất lớn.
Hajime Izumi, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Shizuoka, Nhật Bản, phân tích, việc trì hoãn xây dựng cầu cho thấy Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ, vốn đang trong thời kỳ chuyển đổi từ một đồng minh, bằng hữu trước đây sang một mối quan hệ thực tế hơn dựa trên những lợi ích chung. Ông cũng cho biết thêm, có thể chỉ đơn giản là Triều Tiên đang đợi Trung Quốc rót thêm vốn đầu tư.
Theo Tuệ Minh (NK News, AP)
Người đưa tin