Thích khách run sợ khi bước vào cung điện của Tần Thủy Hoàng
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế lập ra nhà Tần, triều đại thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi thống nhất Trung Hoa, vị vua này muốn xây một cung điện đặt ở trung tâm của thiên hạ nên đã ra lệnh xây dựng kinh đô và cung điện ở Hàm Dương.
Hàm Dương nằm ở phía Nam của núi Cửu Tôn và phía Bắc của sông Vị, theo Phong thủy thì cả phía Nam và Bắc đều thuộc về Dương. Vì thế nơi này được gọi là Hàm Dương nghĩa là quốc vận hưng thịnh như ánh nắng gay gắt. Toàn bộ kinh đô và khu cung điện Hàm Dương đều được Tần Thủy Hoàng quy hoạch dựa theo vị trí của các vì sao. Cung Hàm Dương được đặt ở vị trí đối ứng với ngôi sao Tử vi.
Cung điện Hàm Dương vô cùng nguy nga, tráng lệ, phòng lâu san sát, tất cả đều được chạm trổ những nét điêu khắc và hoa văn rất độc đáo. Cung điện của Tần Thủy Hoàng vô cùng rộng lớn, bên trong có nhiều cung thất lớn nhỏ khác nhau. Hệ thống cung điện Hàm Dương lớn tới nỗi trong một ngày mà thời tiết ở các cung thất, điện đài không nơi nào giống với nơi nào. Người ta nói rằng, cung điện huyền thoại này cất giữ vô số vàng bạc, châu báu mà quân đội nước Tần cướp được trong các cuộc chiến.
Trong cuốn " Sử ký " của Tư Mã Thiên đã đề cập tới sự đồ sộ của cung điện Hàm Dương từng khiến một thích khách sợ hãi đến mức ngất xỉu. Đó chính là Tần Vũ Dương, người đi cùng thích khách Kinh Kha vào cung để ám sát Tần Thủy Hoàng.
Mới bước đến bậc thềm của cung điện, vừa ngước nhìn lên, người Tần Vũ Dương đột nhiên run bần bật và ngất đi vì choáng váng. Theo mô tả của Tư Mã Thiên, sở dĩ Tần Vũ Dương khiếp sợ như thế là do tác động của cung Hàm Dương.
Hệ thống cung điện này được xây trên một nền đất cao nằm ở trung tâm thành Hàm Dương. Điểm đặc biệt của cung Hàm Dương là chênh lệnh độ cao từ nền cung tới đỉnh là 100m. Chính vì thế cung Hàm Dương cao hơn hẳn các công trình xung quanh khá nhiều. Điều này tạo ra cảm giác cung điện này như có rất nhiều tầng lớp.
Người đi từ dưới nhìn lên còn thấy các bậc thang như kéo dài tới vô tận. Do đó, khi Tần Vũ Dương đi từ dưới và ngước mắt lên cứ ngỡ các tòa cung điện xếp thành từng lớp trùng điệp. Sự uy nghiêm của cung Hàm Dương khiến một thích khách dày dặn kinh nghiệm như Tần Vũ Dương phải run rẩy. Và cũng chính sự hồi hộp lo lắng của Tần Vũ Dương đã khiến cho Tần Thủy Hoàng nghi ngờ và cảnh giác, đồng thời khiến cho hành động ám sát vua Tần của Kinh Kha bị thất bại.
Những bí ẩn xung quanh lăng mộ của Tần Thủy Hoàng
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phát hiện nằm dưới một gò mộ cao 76m có hình dạng gần giống một kim tự tháp, tọa lạc phía bắc núi Ly Sơn, huyện Lâm Đồng thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào năm 1974, sau khi một nhóm nông dân ở đây đào được chiến binh đất nung đầu tiên có kích thước tương đương người thật.
Phát hiện lớn nhất về lăng mộ này là đội quân gồm khoảng hơn 2.000 chiến binh đất nung cùng với các cỗ xe ngựa và cung nỏ. Bốn hố chôn đã được khai quật với tổng diện tích hơn 25.000 mét vuông. Tuy nhiên, đó chỉ là phần bên ngoài khu lăng mộ. Các nhà khảo cổ dự đoán có tới 8.000 tượng đất nung bên trong, nơi an nghỉ vĩnh hằng của hoàng đế nhà Tần.
Bên trên mộ bao bọc bởi một lớp đất đắp nổi cao 76m, từ Nam đến Bắc dài 350m, từ Tây sang Đông rộng 354m. Trên mặt đất chung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2km² có cửa. Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở,…
Khu vực lăng mộ trung tâm được cho là giống như một cung điện và là nơi đặt thi hài của hoàng đế nhà Tần cùng nhiều kho báu. Nơi đây chiếm đến 2/3 tổng diện tích, lăng mộ còn có chỗ chôn cho các phi tử của Tần đế với 48 ngôi mộ nhỏ được tìm thấy. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra 98 căn phòng ngay bên cạnh khu vực của đội quân đất nung.
Đến cuối thế kỷ XX, cộng đồng khảo cổ quốc tế đều ủng hộ việc ngừng khai quật sâu vào lăng mộ, do lo ngại làm tổn hại vĩnh viễn đến ngôi mộ. Ngoài ra, nồng độ thủy ngân trong lăng mộ cao gấp 280 lần mức bình thường và những lo ngại về các bẫy trộm mộ, cũng là trở ngại ngăn cản việc khai quật ngôi mộ.