Một nhà điều tra tin rằng các mảnh vỡ từ chiếc máy bay JT610 của hãng hàng không Lion Air gặp nạn hôm 29/10 có thể giúp giải đáp những bí ẩn liên quan tới vụ mất tích MH370 4 năm về trước.
Mảnh vỡ của JT610 được trục vớt vài ngày sau khi máy bay gặp nạn. Ảnh: Getty |
Victor Iannello, người dẫn đầu Nhóm điều tra độc lập về bí ẩn mất tích máy bay MH370 cho biết: "Các mảnh vỡ trục vớt từ vụ tai nạn của JT610 sẽ giúp giải thích tại sao không thể tìm thấy mảnh vỡ của MH370 bằng đường hàng không và vệ tinh dọc theo vòng cung thứ 7.
Vì vậy, chúng ta vẫn nên nuôi hy vọng có thể tìm thấy MH370 nhờ các bộ cảm biến khi đã xác định được đúng vị trí nó rơi".
Theo ông này, sở dĩ khó tìm thấy MH370 dù chiếc chiếc Boeing 777 này lớn hơn nhiều so với một chiếc Boeing 737 MAX 8 như JT610 là bởi quá trình tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia Airlines trên Ấn Độ Dương bằng máy bay bắt đầu vài tuần sau chiếc phi cơ chở 239 người gặp nạn. Khi đó, hiệu ứng phân tán sóng và các dòng điện ở Nam Ấn Độ Dương đang rất mạnh.
Cùng với đó là việc tìm kiếm các mảnh vỡ với kích thước nhỏ trên một khu vực quá rộng lớn cũng khiến chiến dịch tìm kiếm thất bại.
Dù vậy, ông Iannello cũng tin rằng các đội tìm kiếm MH370 dưới nước có thể sẽ sớm tìm thấy các mảnh vỡ với kích thước lớn đáng kể như bộ phận hạ cánh và động cơ máy bay.
Theo dữ liệu radar quân sự thu được, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc lúc 0h41 phút ngày 8/3/2014 (giờ địa phương) chở theo 239 người đã lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh.
Trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không có bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.
Bằng chứng duy nhất được tìm thấy cho đến nay là một mảnh vỡ cánh tà của một mẫu Boeing 777 trên đảo Reunion của Pháp, ngoài khơi Madagascar được cho là của MH370.
Trước đó, anh Jeff Wise, một phi công kiêm tác giả chuyên viết về các vấn đề hàng không và kĩ thuật, cho rằng Nga hiện đang giấu chiếc máy bay MH370 tại căn cứ vũ trụ ở Kazakhstan.
Giả thuyết của Wise dựa vào việc chiếc Boeing 777-200 đột ngột biến mất khỏi màn hình radar khi chuyển từ kiểm soát không lưu Malaysia sang Việt Nam; nhưng sau đó một vệ tinh Inmarsat lại nhận được một loạt tín hiệu từ chiếc máy bay này.
Ngoài ra, Wise càng tin vào giả thiết của mình hơn khi vụ chiếc máy bay MH17 được cho là bị tên lửa phòng không do Nga sản xuất bắn rơi chỉ vài tháng sau khi chiếc MH370 mất tích, cùng với đó là sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.
Ban đầu, dựa theo loạt tín hiệu mà vệ tinh Inmarsat nhận được, các nhà điều tra đã khoanh vùng vị trí của chiếc MH370 tại khu vực Ấn Độ Dương ở phía Tây Australia.
Tuy nhiên, anh Wise cho rằng các dữ liệu trên có thể đã bị làm giả, và đưa ra một giả thiết hoàn toàn trái ngược với nhóm điều tra: Máy bay MH370 có thể đã không bay về phía Nam mà di chuyển về phía Bắc và hiện đang nằm trong sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome của Kazakhstan.