Các chuyên gia phát hiện ra, chính sự phá rừng là nguyên nhân khiến cho nền văn minh Maya suy tàn.
Nói đến nền văn minh cổ đại, nhiều người thường nhắc đến Ai Cập. Nhưng sẽ là thiếu sót cực lớn nếu không nhắc đến nền văn minh Maya - nền văn minh cổ phát triển bậc nhất cùng vô số thành tựu, di sản... cổ xưa.
Vậy mà nền văn minh Maya lên tới đỉnh cao rồi đột nhiên biến mất, không để lại một lời lý giải. Điều này đã khiến giới khoa học vô cùng đau đầu.
Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm giải mã cho bí ẩn này. Và nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học McGill ở Canada đã chỉ ra rằng, nền văn minh Maya cổ đại bị diệt vong là do phá rừng.
Theo đó, chính biến đổi khí hậu, nạn phá rừng bừa bãi ở khu rừng nhiệt đới Nam Mexico, Belize, Guatemala là nguyên nhân của sự sụp đổ nền văn minh Maya.
Kết luận này được đưa ra sau khi giới nghiên cứu phân tích trầm tích, đất ở các hồ nước, vùng đất quanh khu vực đó.
Qua việc phân tích các trữ lượng carbon ở phần đất, chuyên gia nhận thấy cây sử dụng ánh sáng Mặt trời để hấp thụ CO2 từ khí quyển thông qua quá trình quang hợp và lưu trữ nó. Việc khai thác gỗ trong rừng ảnh hưởng đến khả năng đất lưu giữ carbon.
Bên cạnh đó, giới nghiên cứu cũng đánh giá thay đổi về thời gian carbon tồn tại trong đất ở vùng đất trũng của Maya trong 3.500 năm qua.
Họ nhận thấy, việc người Maya phá rừng bừa bãi để xây dựng thành phố khiến phần đất đai bị xói mòn nghiêm trọng. Các hồ chứa nước cũng trở nên khô cạn, kho thực phẩm cạn kiệt, vì vậy gây ra sự khó khăn để tiếp tục một nền văn minh, vốn quen với khí hậu ẩm ướt.
Sự xói mòn trong khu vực này hiện chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn, mặc cho sự việc đó diễn ra cách đây cả nghìn năm rồi.
Điều này như 1 lời nhấn mạnh rõ ràng hơn nữa về việc bảo vệ rừng nhiệt đới vô cùng quan trọng bởi 1 khi đã bị phá hủy, xói mòn thì sẽ phải mất rất rất lâu - đôi khi cả nghìn năm để phục hồi.
Giáo sư Peter Douglas thuộc Đại học McGill (Canada) chia sẻ rằng: "Giờ đây, bạn đến khu vực này sẽ chỉ thấy mọi thứ giống một khu rừng già nhiệt đới rậm rạp mà thôi.
Giáo sư Douglas cũng nói thêm rằng: "Việc phát hiện ra bí mật này như 1 lời cảnh tỉnh với chúng ta trong việc bảo vệ khu vực rừng già nhiệt đới còn lại trên thế giới.
Sự lưu giữ carbon này sẽ giúp ích rất nhiều cho môi trường. Và sẽ thật tuyệt vời biết bao nếu như ta có thể xây dựng được các mô hình để có thể kiểm soát xem liệu nạn phá rừng có ảnh hưởng thế nào đến bể chứa carbon trên toàn cầu hay không?"
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Gucci (Nguồn: Express)
Theo Helino/Trí thức trẻ