Từ năm 1764-1767, sinh vật bí ẩn được gọi là Quái thú đã tàn phá vùng nông thôn Gévaudan, Pháp. Khoảng 100 người cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều là nạn nhân của nó. Nhiều người Pháp lúc ấy tin rằng quái thú này là một con sói thì nhiều học giả thời nay lại bác bỏ giả thuyết này.
Vụ tấn công gây chết người đầu tiên của quái thú xảy ra vào ngày 30/6/1764 và nạn nhân là người chăn cừu 14 tuổi tên Jeanne Boulet. Tuy nhiên, Boulet lại không phải nạn nhân đầu tiên của sinh vật này. Nhà sử học Jay M.Smith viết trong cuốn "Quái vật Gévaudan" rằng khoảng 2 tháng trước đó, một phụ nữ trẻ đang chăm sóc gia súc đã bị sinh vật "giống sói nhưng không phải sói" tấn công. Tuy nhiên, cô gái đã trốn thoát nhờ được đàn gia súc bảo vệ.
Những cuộc tấn công tiếp tục xảy ra trong suốt mùa hè, sang tận mùa thu. Khi đó, Pháp đang rơi vào tình trạng kiệt quệ do Chiến tranh 7 năm. Nước này đã thua trận trước Phổ và Anh, vua Louis XV đã mất đi các thuộc địa ở nước ngoài. Quái thú vật thế thân thu hút sự chú ý, không có bất cứ tin tức đói kém nào được đăng tải trên báo chí khi đó. Theo các báo cáo, con thú hung dữ tấn công chủ yếu phụ nữ và trẻ em, đàn ông khi đi một mình cũng là mục tiêu. Có rất nhiều vụ tấn công xảy ra nên có những suy đoán cho rằng trong thực tế có 2 quái thú trở lên.
Người dân Gévaudan đã không ngồi yên, rất nhiều người dũng cảm đã xông pha đi tìm diệt quái thú. Theo những gì ông Smith viết, các khoản tiền thưởng được đưa ra và thợ săn lùng sục khắp vùng quê để tìm sinh vật này. Vào ngày 8/10/1764, sau nhiều giờ quần thảo, người ta thấy quái thú tại lâu đài de la Baume và đang rình rập một người chăn gia súc. Những người thợ săn bám theo con vật vào rừng và dồn con vật ra chỗ trống. Tại đây, họ bắn một tràng súng trường nhưng con vật gục ngã rồi vùng dậy bỏ chạy.
Ngày 20/9/1765, một con sói lớn bị Francois Antoine, tay súng của nhà vua cùng cháu trai bắn hạ. Ông Antoine đã lãnh tiền thưởng còn xác con vật được chuyển đến tòa án hoàng gia. Thế nhưng các vụ tấn công lại tiếp diễn vào tháng 12 năm đó. Tòa án hoàng gia đã bỏ qua những cuộc tấn công này và khẳng định Antoine đã tiêu diệt được quái thú. Cuối cùng, những cuộc tấn công bùng phát bất ngờ vào đầu tháng 6/1767 đã buộc ông Marquis d'Apcher, một quý tộc địa phương phải tổ chức săn lùng. Ngày 19/6, một trong những thợ săn địa phương là Jean Chastel đã bắn được một con sói ở sườn núi Mouchet. Khám nghiệm tử thi cho thấy trong bụng con vật còn các bộ phận của người. Đặc biệt, con vật không có các đặc điểm của sói. Các vụ tấn công lúc này mới chấm dứt.
Quái thú liên tục được các nhân chứng mô tả là không giống sói. Nó lớn như một con bê hoặc ngựa, lông màu xám đỏ và đuôi giống như đuôi báo. Đầu và chân có lông ngắn, màu như lông nai, trên lưng có sọc đen trắng và có móng vuốt. Nhiều bức tranh vẽ quái thú thời bấy giờ cho thấy nó có đặc điểm như chó sói. Theo các nhân chứng, quái thú sẽ như một thợ săn rình rập, phục kích và bắt con mồi bằng cách chẹn cổ họng. Những vết thương tìm thấy trên thi thể nạn nhân thường ở đầu và các chi. Nó thường đi săn vào chiều tối và sáng sớm.
Các nhà sử học, khoa học, những nhà giả khoa học và lý luận âm mưu đều đưa ra các giả thuyết về quái thú. Một số gải thuyết gồm: sói Á - Âu, con chó đánh trận, con linh cẩu sọc, sư tử, một loài động vật ăn thịt thời tiền sử, ma sói, sói lai và cả con người. Trong số những giả thuyết này, chó sói được coi là đáng tin cậy nhất. Theo ông Smith, Gévaudan đã bị sói phá hoại nghiêm trọng. Ông tin rằng một con sói đơn độc đã tấn công cộng đồng hoặc đó là cả một bầy sói. Smith khẳng định những đặc điểm giả tưởng được các giáo sĩ gán cho quái thú để khuấy động nỗi sợ hãi trong dân chúng rằng Chúa đang trừng phạt người Pháp vì thất bại trong Chiến tranh 7 năm. Đối với các thợ săn, việc giết quái thú chính là cách để đòi lại danh dự đã mất cho người Pháp.
Những con sói tại khu vực đã tấn công con người từ trước đó. Theo thống kê, sói đã tấn công người 9.000 lần tại Pháp từ thế kỷ 17-19. Trong hầu hết các trường hợp, những vụ tấn công do sói dại gây ra.
Mặc dù có nhiều tranh cãi, nhiều giả thuyết nhưng sự thật về quái thú tại Gévaudan sẽ không bao giờ được giải đáp. Không một bằng chứng pháp y hay di truyền nào còn để lại và quái thú Gévaudan mãi là một bí ẩn.