Mai này khi chúng ta già, chúng ta chọn riêng mình một điểm dừng chân. Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống.
Đời ít nhất phải một lần đi picnic với hội "chị em"
- Phụ nữ hiện đại là phải như thế nào? Là phải đi đây đi đó, giao lưu bạn bè. Chứ cứ ru rú ở nhà, chồng nhìn mãi cũng chán.
- Thế 70 - 80 tuổi có được giao lưu bạn bè không? Tất nhiên là được!
Bà Kim năm nay 84 tuổi, bà Lâm 77, còn bà Cẩm đã 94. "Hội chị em" thân thiết quyết định "lên đồ" cho bộ ảnh mừng ngày 20/10 sắp tới. Là phụ nữ, ít nhất phải một lần đi picnic với chị em. Bà Kim thích chụp ảnh, bà Lâm thì tự tin vào sắc đẹp của mình. Bà Cẩm nhiều tuổi nhất, nhưng hăng say không kém.
70 - 80, thậm chí là 90 tuổi thì sao, chúng ta cứ phải sống hết mình chứ nhỉ.
Bộ ảnh picnic "sang chảnh" được thực hiện ngay trong khuôn viên của viện dưỡng lão nơi các cụ hiện đang sống. Trang phục và lều theo phong cách vintage, pha chút hiện đại nơi 3 ly rượu vang. Các cụ chỉ việc cười và "tám chuyện" rôm rả, việc chụp ảnh cứ để phó nháy lo. Đến nỗi, cả nhóm cứ sợ các cụ... say rượu vì nhiệt tình quá.
Các cụ đại diện cho lớp người phụ nữ trải qua những năm tháng cuộc đời bó chặt trước đây. Thời bấy giờ, lấy chồng là mất bạn. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, khi mọi thăng trầm và sóng gió không còn vồ vập, các cụ nghĩ lại. Phải chăng, yêu thương bản thân là cách tốt nhất để giữ chồng. Muốn hạnh phúc, tốt hơn hết ngừng tư tưởng ôm hết việc vào người. Và đặc biệt, tuổi tác không bao giờ là trở ngại trên hành trình sống vui - khoẻ - có ích ấy.
Trước giờ chúng ta vẫn luôn quan niệm tiêu cực về viện dưỡng lão. Rằng phải sống như nào để đến khi cuối đời không bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão. Đấy là nơi buồn tẻ nhất thế gian, là 4 bức tường mà những người già neo đơn cố bám víu cuộc sống. Rồi họ lẳng lặng nhìn năm tháng, tuổi trẻ và cả thanh xuân trôi dạt phía sau cánh cổng. Cảm giác như một thế giới mà người đến rồi lại ra đi như mây gió và chẳng ai quan tâm. Họ để lại năm tháng cuối cùng của phận người, ngắn ngủi và đớn đau.
Ở Hà Nội có một viện dưỡng lão đi ngược hoàn toàn với xu thế mà phần đông chúng ta hay mặc định. Các cụ rất thích vào đây, vì có bạn. Từ những con người ban đầu xa lạ, sau thành quen, rồi hoá người thương lúc nào không hay. Người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn.
Cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người
Mai này khi chúng ta già, chúng ta chọn riêng mình một điểm dừng chân. Mỗi cụ một hoàn cảnh, một nỗi đau nhưng khi đến với nhau, họ cùng trân quý những kỷ niệm và dành tặng niềm vui để tiếp tục vui sống. Và thế là, đằng sau cánh cửa của viện dưỡng lão, ký ức không bị ngưng đọng, nó vẫn hòa mình vào dòng chảy thường nhật để biến những điều tưởng như tẻ nhạt nhất thành nụ cười. Bởi lẽ cuộc đời có bao lâu, miễn sao vui vẻ sống trọn kiếp người là mãn nguyện.
Điều này khác hẳn với viễn cảnh trước đó khi còn ở nhà: ốm yếu, một mình nên thành ra cô đơn! Ở viện dưỡng lão Diên Hồng không có những nỗi đau, âu chỉ có những ánh mắt đau đáu rồi dần ám ảnh mãi. Bàn tay run run, đôi chân chập chững. Cái xe đẩy đi trước, cụ ông lại theo sau. Buồn đôi khi cũng chỉ vì ốm yếu, cứ mãi gắn chặt thân thể với chiếc xe lăn nên thành ra ít được tự do. Thời gian - đó là tài sản lớn nhất và dư thừa nhất ở viện dưỡng lão. Nhưng buồn không lâu, chỉ là thoáng qua và ngày hôm sau, các cụ sẽ lại bên nhau mỉm cười.
Cứ dịp Trung Thu, Tết hay lễ hội, các cụ lại được tham gia các hoạt đông văn nghệ.
2 cụ bà hoan hỉ trong những ngày Tết đến xuân về.
Thường lý lịch của các cụ tại Diên Hồng đều được bảo mật. Nhưng dựa theo mức chi phí bỏ ra hàng tháng (từ 6 đến 8 triệu đồng), có một điều chắc chắn, con cái hay người thân của các cụ đều khá giả. Họ không bỏ rơi cha mẹ mình. Họ vẫn sẽ đến thăm nom, đón bố mẹ về nhà những lúc rảnh rỗi.
Nếu ở nhà một mình, các cụ cô đơn rồi dần lãng quên chính mình. Thì ở Diên Hồng, các cụ có cả một cộng đồng người già sôi nổi, cùng giúp nhau tận hưởng cuộc sống "mới" hạnh phúc hơn, khoẻ hơn và phong phú hơn. Tại đây, luôn có một bầu không khí thật sự yên bình.
Các cụ quây quần cùng nghe nhạc, xem ti vi, tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi. Như Tết vừa rồi đó, bà Cẩm và nhiều cụ ông cụ bà khác không về nhà. Họ cùng ở lại đón một mùa xuân giản dị bên nhau, cho ra đời bộ ảnh "hồi xuân" nhiều màu sắc trong những tà áo dài duyên dáng. Chẳng hiểu sao, các cụ "nghệ sĩ" lắm. Dù tay yếu chân run, nhưng cứ hễ cầm míc lên, nhạc nào các cụ cũng chơi.
Thành thử có chút âm thanh, có chút hình ảnh, dường như mọi thứ đỡ nhạt nhẽo. Nếu chiếc xe lăn xếp thứ nhất, thì ti vi đứng thứ hai về "tình bạn" với các cụ. Dẫu sao với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính truyền hình còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Ở viện dưỡng lão, có nhiều hơn một hình ảnh, âm thanh của cuộc sống.