Cùng quan điểm với giới chức quân sự Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gọi Nga là "mối đe dọa rất, rất lớn” và Washington đang phải điều chỉnh các năng lực phòng thủ của mình để ứng phó với sự gây hấn của Moscow.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 20/8 tại Lầu Năm Góc, ông Carter nói Nga là mối đe dọa hiện hữu với Mỹ bởi "đơn giản là quy mô kho vũ khí hạt nhân nước này sở hữu".
"Điều đó không còn mới. Cái mới là trong khoảng một phần tư thế kỷ, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta đã không coi Nga là địch thủ. Cách cư xử của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong nhiều khía cạnh, giống như một địch thủ. Chúng ta cần điều chỉnh và đối phó", ông Carter nói.
Bộ trưởng Carter cho biết thêm Mỹ đã điều chỉnh các năng lực quân sự và hợp tác với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tăng cường khả năng răn đe dọc các đường biên giới phía Đông của liên Minh Quân sự này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi Nga là mối đe dọa an ninh rất lớn. |
Hoạt động trên được tiến hành theo các cách mà NATO chưa hề áp dụng kể từ sau Chiến tranh Lạnh và có những biện pháp Washington cho rằng đáng ra không phải triển khai. Tuy nhiên, ông Carter cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chống khủng bố hay vấn đề Iran và Triều Tiên.
Cùng ngày 20/8, Bộ Quốc phòng Bungaria thông báo hơn 10 thành viên NATO đã bắt đầu cuộc tập trận “Phản ứng nhanh 2015” diễn ra đồng thời ở Đức, Romania, Bulgaria và Ý. Cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu với sự tham dự của Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh.
“Mục đích cuộc tập trận nhằm giúp lực lượng các thành viên NATO hoạt động như một thể thống nhất và có thể ứng phó hiệu quả nếu xảy ra vấn đề trên toàn lãnh thổ của liên minh”, thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Bungaria cho biết.
Trước đó, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tương lai của Mỹ, Tướng Joseph Dunford gọi Nga là “mối đe dọa số 1”.
Phương Tây bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Moscow từ năm ngoái với lý do Nga sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga cho rằng việc sáp nhập Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế, bác bỏ cáo buộc hỗ trợ phe ly khai ở đông Ukraine và có biện pháp trừng phạt đáp trả sau đó.
Lê Huyền (tổng hợp)