Nhắc đến quá khứ, ông John McCain dùng từ enemy (kẻ thù), nhưng nói về hiện tại, ông dùng từ friend (bạn) Việt Nam.
John Mccain- Người đại diện của Arizona hoang dã
Cuối năm 2016, anh Thành Nam, một người mê chụp ảnh quên cả đất trời, rủ tôi đi Arizona và mấy bang lân cận chỉ để chụp phong cảnh. Điểm dừng chân lâu nhất là hang động Antelope (Linh Dương) do người da đỏ quản lý ở Page thuộc tiểu bang Arizona.
Hai tuần đi khắp miền Tây hoang dã, từ chỗ tuyết rơi dày nửa mét rồi lại nắng chói chang, chỉ có đất đá, cây cối trơ trụi, tựa như phim cao bồi, chỉ có những người có thần kinh thép mới chọn làm nơi sinh sống.
Ông John McCain tham dự lễ kỷ niệm 20 năm Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam. Ảnh: Hiệu Minh
Đây là nơi có người đại diện là Thượng nghị sĩ (TNS) John McCain nổi tiếng ở hai bên chiến tuyến của cuộc chiến tranh Mỹ-Việt, phi công hải quân, từng ném bom miền Bắc, từng nằm Hỏa Lò - Hilton gần 6 năm. Đánh phá Hà Nội và bị bắn rơi, dù rơi xuống hồ Trúc Bạch, chân gẫy, tay gẫy, dù bị rối, thế mà ông vẫn gượng nổi lên mặt nước.
Có lẽ không nơi nào trên đất Mỹ phù hợp với một con người có chất thép như John McCain hơn vùng Arizona hoang dã. Từ một tù binh trong chiến tranh trở thành chính trị gia có ảnh hưởng lớn tới đồi Capitol (Quốc hội Hoa Kỳ), ứng viên Tổng thống.
Trải qua cuộc chiến ở Việt Nam, có lẽ hiểu rõ hơn ai hết cái giá của những tháng ngày khốc liệt đó, John McCain đã cố gắng không mệt mỏi trong suốt mấy chục năm để hàn gắn mối quan hệ Mỹ - Việt.
Người viết bài này tham dự một số tiệc chiêu đãi do Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Câu hỏi của các nhà ngoại giao thường là "Năm nay có thấy John Kerry và John McCain tới không". Đó là hai người đều đã từng tham chiến ở Việt Nam, và sau này lại trở thành những người thúc đẩy tích cực cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Cách đây 4 năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ phối hợp với Bộ Ngoại giao nước sở tại tổ chức kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ ngay trong phòng điều trần SD 106 tầng 1 của tòa nhà Dirksen dành cho các Thượng nghị sỹ làm việc trong khu đồi Capitol.
Điều thú vị là người Mỹ nghĩ ra embargo (cấm vận) cho Việt Nam và áp đặt lên quốc gia này sau chiến tranh. Và chính người Mỹ không thích nhắc đến từ embargo trong lễ kỷ niệm 20 năm.
Hôm đó khách dự khá đông. TNS John McCain nhanh nhẹn đi thăm triển lãm ảnh với Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, đôi lúc dừng lại nói chuyện với người muốn chụp ảnh kỷ niệm, ông có ánh mắt sáng long lanh rất lạ, vẻ thân tình.
McCain phát biểu rất vui, hóm hỉnh, kể vài kỷ niệm về những chuyến đi Việt Nam cùng với John Kerry, gặp bao nhiêu vị lãnh đạo của Việt Nam, nhất là trong 10 năm từ 1984 đến 1994, vận động hành lang để Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận.
Người kết nối Việt-Mỹ
Nhắc đến quá khứ, ông dùng từ enemy (kẻ thù), nhưng nói về hiện tại, ông dùng từ friend (bạn) Việt Nam. McCain còn nhắc đến con số mấy chục ngàn sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ là con số hết sức ấn tượng trong quan hệ hai nước.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đưa TNS John McCain thăm triển lãm ảnh. Ảnh: Hiệu Minh
Khi phần nghi lễ đã qua, khách bắt đầu ăn uống. Nhiều bạn Việt lại thích chụp ảnh với ông. Tôi nhớ vài anh chị cứ nhờ tôi chụp nhưng tôi nói to bằng tiếng Anh cốt cho ông nghe thấy "Để cho ông McCain ăn đã, lát nữa hãy chụp vẫn kịp".
Nhưng ông cười rất thân thiện, bỏ đĩa thức ăn xuống, cài cúc áo comple, rồi đứng chụp với nụ cười chuyên nghiệp. Cả chục người nhào vô, ông vẫn thấy thoải mái.
Rất có thể hôm đó ông bị đói vì một tay bị tật do vết thương năm xưa khi nhảy xuống hồ Trúc Bạch, lấy thức ăn, dùng dao dĩa bằng một tay, chắc hẳn không thể nhanh bằng người khác. Nhưng tình người nồng ấm ở hai bên bán cầu dành cho ông thì khó có những bữa tiệc nào khác mang lại.
Vụ ông đến muộn để bỏ phiếu chống lại dự thảo bãi bỏ Obamacare tại tòa nhà Quốc hội là một cảnh tượng hiếm có nhưng thể hiện rõ "chất" Arizona của McCain.
Vừa mổ não được 2 tuần, nhưng ông bay từ Tây sang Đông, vào thẳng hội trường với ngón cái chỉ xuống, ý nói phản đối, làm cho dự thảo của Trump bị phụt tắt vì tới hơn nửa nước Mỹ đợi mỗi cú "bổ nhào" kiểu phi công này.
Thời ông ra ứng cử Tổng thống liên danh với bà Palin khá ấn tượng. Lái xe đi qua vài bang thấy ảnh ông bà treo khắp nơi, từ West Virginia tới Pennsylvania, tôi nghĩ về ông như một hiện tượng hiếm có từ chiến trường đến chính trường, điều gì đã làm ông thay đổi.
Nước Mỹ có tên John khá phổ biến, từ năm 1880 tới nay đã có tới hơn 5 triệu người mang tên này. Đỉnh điểm cha mẹ lấy tên John đặt cho con trai là trước và sau chiến tranh thế giới II do hình ảnh các "John" trên chiến trường. Sau chiến thắng, năm 1947 có tới 88 ngàn cháu trai mang tên John và giờ họ là những cụ già 70.
Chiến tranh Mỹ Việt có Tổng thống John Kennedy, sau thêm John Kerry và John McCain. Nếu tính theo họ Johnson (con của John - TT Lyndon Johnson) thì có kha khá "John" liên quan đến cuộc chiến.
Có hai TNS - người lính John đều đã già và tôi từng viết, thế hệ hiểu và yêu Việt Nam qua cuộc chiến như McCain và Kerry còn rất ít. Hết lòng hàn gắn quan hệ lại càng ít.
Tôi xem thống kê lại những tên "John" do cha mẹ Mỹ chọn cho con sau 1975 bỗng nhiên giảm hẳn. Những người vì mục đích toàn cầu như McCain sẽ ít dần đi, bối cảnh hội nhập sẽ khó hơn.
Hôm nay nghe tin John McCain đã yên nghỉ. Tôi tin, về thế giới bên kia McCain vẫn mang trong tim lời nói khi ông đến Hà Nội mấy năm trước như một lời nhắn nhủ:
"Trong thế kỷ cạnh tranh này, tất cả các nước phải đối mặt với cùng một câu hỏi: Điều gì khiến chúng ta khác biệt? Những gì chúng ta có để cống hiến?
Tôi tin rằng Việt Nam có thể cống hiến một câu trả lời đầy uy lực – mẫu mực về một nhà nước đáp ứng những kỳ vọng gia tăng của người dân về một nền dân chủ, quản trị tốt và pháp quyền, sự thịnh vượng và phát triển xã hội, môi trường trong lành, và sức mạnh dân tộc để bảo vệ độc lập.
Đó là một hình mẫu sẽ truyền cảm hứng cho những dân tộc khác trong khu vực, bao gồm cả láng giềng của các bạn ở phương Bắc, để họ phải tự hỏi: Tại sao chúng ta không thể giống Việt Nam hơn?"
Hôm nay ông đã ra đi và chọn cách mạnh mẽ như cá tính của ông... Vĩnh biệt John McCain!
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Hiệu Minh