Đẹp và đắt đỏ, cá dĩa với tên gọi "ngũ sắc thần tiên" được dân chơi cá cảnh đặc biệt ưa chuộng, săn lùng tìm mua.
Được giới chơi sinh vật cảnh ưu ái đặt cho nhiều cái tên mỹ miều như "ngũ sắc thần tiên", "nhất đại mỹ ngư, "vua của hồ cá", cá dĩa – một giống cá nước ngọt được ưa chuộng nuôi làm cảnh gây ấn tượng mạnh vì màu sắc, hoa văn trên mình cá vô cùng lộng lẫy.
Với thân hình trơn láng, hình dáng nhỏ dẹt như một cái đĩa tròn, cùng những đặc tính sinh sống đặc biệt mà cá dĩa trở thành một trong những loại cá cảnh có giá bán thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất.
Chúng có giống như cá dĩa bông xanh, cá dĩa da rắn, cá dĩa bồ câu, cá dĩa lam, cá dĩa đỏ, cá dĩa trắng, cá dĩa Amino… với đủ sắc màu rực rỡ khác nhau.
Loài cá cảnh độc lạ này được tiểu thương định giá dựa trên nhiều yếu tố như kích thước, chủng loại, tuổi đời, độ hiếm có hay màu sắc đặc biệt. Rẻ nhất, một chú cá dĩa đã có giá từ 300.000 đồng – 600.000 đồng, đắt hơn có thể lên tới cả triệu đồng.
Trên thị trường, cá dĩa Red malboro Abino hay cá dĩa bồ câu Abino (hàng loại 1), đang được rao bán với mức 2-2,5 triệu đồng/con (tùy kích thước). So với nhiều loại cá cảnh phổ biến thường thấy, thì mức giá của "ngũ sắc thần tiên" cao gấp 2-5 lần.
Cá dĩa là một trong những loại cá cảnh rất được ưa chuộng dù mức giá không hề rẻ.
Mặc dù được đánh giá là loại cá cảnh khó nuôi nhất trong các loại cá cảnh nước ngọt nhiệt đới vì đặc điểm sinh học khác biệt và mức giá không hề rẻ, tuy nhiên, thử thách này lại càng khiến dân mê sinh vật cảnh tìm cách mua và nuôi cá dĩa. Thậm chí, nhiều vị khách sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng để đầu tư cho một bể cá dĩa đẹp mắt, độc lạ.
Màu sắc rực rỡ khiến cá dĩa được đặt cho những cái tên như "ngũ sắc thần tiên", "vua hồ cá".
Theo anh Hoàng Tiến Tài (chủ cửa hàng cá cảnh ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), cá dĩa rất nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn cũng như sự thay đổi của môi trường sống như nồng độ clo, độ PH trong nước. Ngoài ra, cá rất dễ nhiễm dịch bệnh hoặc bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Vì thế, nếu không chăm sóc cẩn thận, tiểu thương kinh doanh loại cá này có thể bị lỗ vốn.
Mặc dù khó nuôi và đắt, song cửa hàng của anh Tài bán chạy nhất là cá dĩa. Hiện tại, khoảng 11 giống cá dĩa, với hơn 300 con tại đây đã được khách đặt mua hết, đơn hàng mới vẫn đang phải chờ vì đã "cháy" hàng.
"Khách mua chơi bể nhỏ thì lấy khoảng 10-20 con cá dĩa. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp, công ty, họ làm bể cá lớn để trưng bày, thì số lượng có thể lên đến cả trăm con", anh Tài cho hay.
Không chỉ cửa hàng của anh Tài "ăn nên, làm ra" với loài "ngũ sắc thần tiên", trên chợ mạng, hội sinh vật cảnh hay các trại nuôi cá dĩa Hà Nội, TP HCM, không khó tìm được những người chơi đam mê cá dĩa, sẵn sàng chi khoản tiền lớn để sở hữu cá dĩa độc lạ, biến đổi màu sắc như cá dĩa bạch tạng.
"Cá biến đổi màu rất hiếm, chúng thường được đưa về qua đường nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc đảm bảo cá sống khỏe trong những ngày vận chuyển là rất khó. Giá của cá dĩa có thể đội lên hàng chục triệu đồng/con. Hàng đắt như vậy chỉ có đại gia mới mua.
Vì thế, thị trường Việt chủ yếu là cá lai tạo, dòng này đa dạng màu và giá hợp lý, phù hợp cả với những người không nhiều kinh nghiệm chơi cá cảnh", anh Hoàng (chủ một tiệm cá cảnh tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay.
Theo chủ tiệm cá này, vì cá dĩa được ưa chuộng và có thể mang lại lợi nhuận cao nên có tình trạng bán hàng kém chất lượng cho khách, trong đó, những con cá có nguồn bệnh như bị nấm được vớt riêng ra bể, nhưng vẫn rao bán với mức khá cao.
"Vì thế, nếu không có kinh nghiệm chọn cá dĩa, có thể mất mấy chục triệu mà không được ưng ý", anh Hoàng cảnh báo.
Chia sẻ kinh nghiệm chọn cá dĩa tiền triệu khỏe mạnh, anh Tú (thành viên hội sinh vật cảnh Hà Nội) cho hay, việc quan sát biểu hiện linh hoạt cũng như màu sắc, vây cá khá quan trọng. Những con cá khỏe sẽ vận động tốt, không có dấu hiệu trốn ở góc hồ, góc bể. Đặc biệt, màu sắc trên mình cá tươi tắn. Da cá không xuất hiện vết lở loét, nổi đốm đỏ hay có màng trắng là ổn.
"Nếu thấy cá bị tách bể, rất có thể chúng đã bị nhiễm bệnh, không nên mua", anh Tú tư vấn.