Ở thời phong kiến cổ đại, hoàng đế là người có địa vị và quyền lực tối cao nhất. Không chỉ nắm vận mệnh đất nước, hoàng đế còn là người có cuộc đời gắn với nhiều mỹ nữ nhất. Nhắc đến hậu cung của Hoàng đế Trung Quốc, nhiều người không khỏi liên tưởng đến câu nói "hậu cung ba nghìn giai lệ" ngụ ý có vô số phi tần, mỹ nữ của hoàng đế trong cung cấm. Tuy nhiên, khi hoàng đế băng hà, cuộc đời của hàng nghìn phi tần, mỹ nữ này sẽ đi đâu về đâu là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Mao Lập Bình - một nhà nghiên cứu lịch sử nhà Thanh (Trung Quốc) cho biết, hoàng đế mới khi lên ngôi sẽ tôn mẹ ruột, nếu mẹ ruột qua đời thì sẽ tôn kế mẫu làm thái hậu. Các phi tần khác của hoàng đế đời trước vẫn ở lại trong cung cấm cho đến khi già, bệnh và qua đời. Như vậy, những phi tần, mỹ nữ này sẽ bị chôn vui tuổi thanh xuân ở trong cung cấm. Họ không được phép xuất cung, cả đời chỉ có thể sống trong cô độc cho tới khi qua đời. Dù họ được ăn ngon, mặc đẹp, sống không phải lo nghĩ tới miếng cơm manh áo, có kẻ hầu người hạ nhưng cuộc sống lại rất cô đơn, khốn khổ.
Phó giáo sư Mao Lập Bình cũng chỉ ra điểm khác biệt đối với các phi tần trong Tử Cấm Thành thời nhà Thanh với các triều đại khác. Ở các triều đại trước, tân hoàng đế mới lên ngôi có thể lấy phi tần của cha mình làm vợ nếu thấy người đó vừa mắt hoặc có nhan sắc hơn người. Một cách khác cũng được ưa chuộng là để phi tần xuất gia, quy y cửa Phật nhằm mục đích đảm bảo tiết tháo của các phi tần vốn dĩ thuộc về hoàng đế đã băng hà.
Tuy nhiên, ở thời nhà Thanh lại có nhiều điểm khác biệt hơn. Theo phó giáo sư Mao Lập Bình - hiện công tác tại Viện Lịch sử nhà Thanh thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, thời nhà Thanh có ba loại thê thiếp của tiên đế có thể trở thành Thái hậu bao gồm: Đích mẫu của hoàng đế (đích nguyên phối hoàng hậu của tiên đế), kế mẫu của hoàng đế (kế hoàng hậu hay người vợ kế của tiên đế) và sinh mẫu của hoàng đế (phi tần của tiên đế), đây là trường hợp con của phi tần được lên ngôi hoàng đế thay vì con của hoàng hậu.
Ở thời nhà Thanh, có trường hợp có nhiều thái hậu cùng một lúc. Đơn cử như có hai Thái hậu ở thời Thuận Trị, đó là Hiếu Trang Hoàng Thái hậu - phi tần của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực, thân mẫu của Thanh Thế Tổ Thuận Trị Hoàng đế. Người thứ hai là Hiếu Đoan Văn hoàng hậu - Hoàng hậu của Hoàng Thái Cực, trở thành Hoàng thái hậu khi Thanh Thế Tổ Thuận Trị Đế lên ngôi.
Hoàng đế Khang Hy cũng có ba Thái hậu cùng lúc bao gồm: Thái Hoàng Thái Hậu Hiếu Trang (bà nội của Khang Hy đế), Hiếu Huệ Chương hoàng hậu Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị - tôn hiệu Nhân Hiến Hoàng thái hậu (Đích mẫu) và Hiếu Khang Chương Hoàng hậu Đông Giai thị - tôn hiệu Từ Hòa Hoàng thái hậu (Thân mẫu của hoàng đế).
Về phần những phi tần khác của tiên hoàng đế đều được gọi là thái phi tần. So với các Thái hậu thì cuộc sống của những thái phi tần này tẻ nhạt hơn nhiều. Điều mà những thái phi tần này quan tâm chính là mỗi khi tân hoàng đế lên ngôi, họ sẽ được tấn phong cấp vị vì cấp bậc và địa vị có ảnh hưởng đến mức sống của chính họ.
Tuy nhiên, từ thời Ung Chính đế, ông chỉ chọn 5 vị thái phi tần để tấn phong cấp bậc mà thôi. Sau khi Càn Long lên ngôi, ông không chỉ tôn vinh các phi tần của cha mình là Ung Chính mà còn tiến hành tôn phong một số phi tần của ông nội mình là Khang Hy đế. Về sau, các hoàng đế khác cũng kế thừa tục phong các phi tần cha/ông mình lên cấp bậc cao hơn sau khi lên ngôi.
Dù được tân hoàng đế tấn phong cấp bậc nhưng cuộc sống của các thái phi tần này cũng rất nhàm chán. Ở thời Khang Hy, ông cho một số thái phi tần của tiên đế có thể trở về phủ của con trai để sống cuộc sống gia đình. Việc này làm được kéo dài đến thời Ung Chính đế. Tuy nhiên, từ thời Càn Long, hoàng đế ra quy định các thái phi tần chỉ được xuất cung vào những dịp đặc biệt như lễ hội. Họ cũng chỉ được sống trong phủ của con trai vài tháng, thời gian còn lại phải ở trong cung cấm. Đối với những phi tần trẻ chưa có con cái thì phần đời còn lại sẽ phải ở trong cung suốt đời, chịu cảnh cô đơn tới già.
Mặc dù những phi tần của tiên đế sống trong cung không thiếu thứ gì, tận hưởng cuộc sống xa hoa nhưng theo hồi ức của Phổ Giai - em trai của vua Phổ Nghi kể lại, khi vào cung, ông đã nhìn thấy những vị thái phi tần của tiên đế đời trước. Họ đều rất trẻ nhưng trông xanh xao và gầy gò, khuôn mặt không có nét cười, thiếu năng lượng và giống như những người bị bệnh trầm cảm, u uất. Theo các chuyên gia lịch sử, điều có ý nghĩa nhất với những vị phi tần của tiên đế trong những năm tháng cuối đời là được hoàng đế giao cho họ nuôi dưỡng một tiểu a ca hay tiểu cách cách nào đó.