Khi xem những bộ phim cổ trang cung đình, chúng ta thường thấy các phi tần vừa mới sinh ra, chưa kịp nhìn con đã bị bà đỡ bế đi. Theo lẽ thường, con cái được mẹ ruột chăm sóc là điều đương nhiên. Nhưng tại sao thời xưa, phi tần không thể cho con bú mà phải tìm vú nuôi?
Lý do phi tần xưa không được cho con bú
1. Địa vị thấp kém, không đủ trình độ nuôi con
Trong hoàng cung cổ xưa, hoàng đế có quá nhiều phi tần. Để thuận tiện cho việc quản lý, tất cả các phi tần đều được chia thành 3, 6 hoặc 9 cấp. Hoàng hậu là cấp 1, sau đó mới đến quý phi, phi, tần...
Trong hậu cung, những mưu mô giữa các phi tần cũng không kém gì thế giới bên ngoài. Đối với hoàng đế, một số phi tần có địa vị thấp chỉ là công cụ để sinh sản.
Một khi họ sinh ra hoàng tử hoặc công chúa, hoàng đế sẽ bắt đứa trẻ ngay lập tức và giao cho hoàng hậu hoặc các phi tần có địa vị cao hơn nuôi dưỡng. Nếu hoàng hậu hoặc phi tần không cho con bú thì đương nhiên sẽ không có sữa. Do đó, vú nuôi sẽ thực hiện công việc này.
Đây là nỗi đau buồn của những phi tần có địa vị thấp trong hậu cung, ngay cả con ruột của mình cũng không thể nuôi nổi. Vì vậy, các phi tần trong hậu cung sẽ làm mọi cách để tranh giành địa vị của mình.
2. Để lộ ngực sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của hoàng tộc
Chúng ta biết rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ có thể bú sữa nên hầu như 2-3 phải cho bú một lần. Để làm việc này, chắc chắn các bà mẹ đều để ngực trần cho thuận tiện.
Thời xưa, yêu cầu đối với lời nói và hành vi của phụ nữ rất nghiêm ngặt. Việc để lộ ngực và cánh tay sẽ làm xấu hình ảnh hoàng gia. Vì vậy, dù phi tần có sữa cũng không thể tự mình nuôi con bằng sữa mẹ mà phải dùng đế vú em để duy trì hình ảnh hoàng gia và phẩm giá.
3. Duy trì sự sủng ái của hoàng đế
Các hoàng đế cổ đại có tam cung, lục viện với hàng trăm cung tần mỹ nữ. Nếu không được hoàng đế sủng ái thì một phi tần có thể không được gặp nhà vua suốt nhiều năm liền.
Vì vậy, sau khi sinh con, các phi tần trong cung sẽ không nuôi con bằng sữa mẹ để tránh ảnh hưởng tới vóc dáng và bị hoàng đế lạnh nhạt.
Sự thịnh vượng và giàu có của phi tần hoàn toàn phụ thuộc vào sự sủng ái của hoàng đế. Một khi phi tần bị thất sủng, gia đình của cô cũng gặp khó khăn. Do đó, phi tần chấp nhận không cho con bú để củng cố địa vị của mình.
4. Ngăn chặn ngoại thích can thiệp vào chính trị
Trong các triều đại phong kiến, cuộc tranh giành quyền lực đế quốc diễn ra vô cùng khốc liệt. Trong đó, cuộc tranh giành hậu cung luôn là một phần không thể thiếu.
Nếu đứa trẻ được mẹ ruột nuôi dưỡng, nó sẽ có mối quan hệ thân thích với mẹ và họ hàng bên ngoại. Như vậy, sau khi hoàng đế qua đời, tân đế lên ngôi, chính quyền sẽ chịu ảnh hưởng từ Thái hậu. Điều này đe dọa đến quyền lực của hoàng gia.
Để ngăn chặn ngoại thích can thiệp chính trị, hầu hết các hoàng đế đều không để các phi tần tự chăm con.
Chọn vú nuôi cho hoàng tử
Vú nuôi của các hoàng tử không chỉ có vai trò đơn thuần là cho họ bú khi còn nhỏ. Họ còn phục vụ thức ăn, quần áo, nơi ăn chốn ở, giáo dục hoàng tử về lời nói, hành động và các trách nhiệm khác. Có thể nói vú nuôi sẽ thực hiện mọi nhiệm vụ mà một người mẹ ruột phải làm.
Các vú nuôi trong vương thất không phải được chọn ngẫu nhiên, trên thực tế có một quy trình nghiêm ngặt.
1. Giới hạn độ tuổi
Nuôi con bằng sữa mẹ là vai trò quan trọng nhất của vú nuôi, vì vậy việc cung cấp đủ sữa đương nhiên là ưu tiên hàng đầu khi tuyển chọn. Vào thời nhà Thanh, các vú nuôi phải từ 15-20 tuổi, có con mới 3 tháng tuổi mới được chọn.
2. Hoàn cảnh gia đình
Vú nuôi giống như mẹ của hoàng tử, có ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ. Do đó, xuất thân của vú nuôi nhất định phải trong sáng, không được có động cơ thầm kín là gieo rắc những ý tưởng xấu vào hoàng tử.
3. Hình ảnh trang nghiêm
Vú nuôi trong hoàng thất không bị đánh giá qua vẻ bề ngoài nhưng chắc chắn phải có hình ảnh đàng hoàng, trang nghiêm.
Với những yêu cầu cao như vậy, vú nuôi của các hoàng tử có chế độ đãi ngộ rất tốt. Thời nhà Thanh, vú nuôi được trả 10 lạng bạc mỗi tháng, cộng thêm tiền thưởng. Nhiều phụ nữ trong dân gian khao khát được trở thành vú nuôi trong cung.
Trong điều kiện bình thường, thời gian phục vụ của vú nuôi chỉ có 3 năm. Sau 3 năm, hoàng tử cai sữa, vú nuôi có thể xuất cung và trở về bên gia đình.