Hiệp hội Nghề Y tá New Zealand (NZOHNA) ngày 7-3 đã chính thức ra mắt chiến dịch mang tầm quốc gia nhằm giảm thiểu tác hại thuốc lá mang tên “Vape to QuitStrong”.
Chiến dịch thể hiện quan điểm của Chính phủ New Zealand rằng vaping (thuốc lá điện tử) là giải pháp tiềm năng dành cho những người đang hút thuốc cũng như hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Chính phủ New Zealand đang áp dụng rộng rãi cách tiếp cận chính sách giảm thiểu tác hại thuốc lá (THR) tương tự như chiến dịch của Vương quốc Anh mang tên Stoptober.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Công cộng Anh - cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội phụ trách vấn đề sức khỏe và phúc lợi của quốc gia – cũng cho thấy thuốc lá điện tử có thể đóng vai trò nhất định trong hoạt động giảm tác hại thuốc lá.
Cụ thể, trong báo cáo của Tổ chức Y tế Công cộng Anh 2021 được công bố vào cuối tháng 2-2021, thuốc lá điện tử đã và đang là lựa chọn phổ biến nhất của những người hút thuốc trưởng thành cho nỗ lực giảm hoặc bỏ thuốc lá. Tỷ lệ người hút thuốc hiện đang giảm xuống cho thấy tình trạng 'sử dụng kép' [vừa hút thuốc lá điếu vừa dùng thuốc lá điện tử] đang giảm dần ở người hút thuốc. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Công cộng Anh 2021 cũng phát hiện rằng những quan niệm về tác hại do hút thuốc lá điện tử gây ra ngang bằng với thuốc lá điếu là không phù hợp và cần xem xét lại.
Báo cáo cũng trích lời ông Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cho rằng thuốc lá điện tử là một sản phẩm vẫn còn tương đối mới - hiện chưa đánh giá được rủi ro một cách toàn diện vì chưa ai biết rõ tác động lâu dài của chúng. Ông cũng nhấn mạnh không khuyến khích những người chưa hút thuốc sử dụng chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
“Hỗ trợ từ các sản phẩm cai thuốc lá vẫn là cách hiệu quả nhất để giúp mọi người bỏ thuốc lá. Các sản phẩm này có thể giúp mọi người tìm thấy công cụ phù hợp với họ, thuốc lá điện tử hoặc các loại khác, và cho họ cơ hội tốt nhất để giảm nguy cơ mắc các bệnh từ việc hút thuốc lá điếu truyền thống”, ông chia sẻ.
Riêng về Việt Nam, các nghiên cứu đều đồng tình rằng, gần 50% nam giới trưởng thành hút thuốc. Do đây là một thói quen đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng mà còn cộng đồng nên việc tiến tới khuyến cáo sử dụng các sản phẩm ít tác hại hơn là điều cần thiết. Khoa học đã chứng minh, không phải chất nicotin có trong thuốc lá mà chính rít hơn 6.000 hóa chất gây hại và có tiềm năng gây hại từ khói thuốc lá vào phổi mới là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan tới thuốc lá.
Tuy nhiên, việc xây dựng khung chính sách cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam dường như đang bị đình trệ do ý kiến còn khác nhau giữa các bộ ngành, trong đó Bộ Y tế vẫn bảo lưu ý kiến cần phải cấm sản xuất kinh doanh dòng sản phẩm này. Bình luận việc này, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI chia sẻ: “Nếu cấm lại tạo thêm cơ hội cho các nguồn hàng lậu, bất hợp pháp và các sản phẩm rẻ tiền tồn tại sẽ mang lại nhiều rủi ro cho quốc gia, cho sức khỏe hơn”.
Ở khía cạnh khác, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Luật Đầu tư 2020 thông qua ngày 17/06/2020 quy định 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong đó không có mặt hàng thuốc lá. Vì thế, đề nghị cấm kinh doanh mặt hàng này là không phù hợp với luật hiện hành, nếu không muốn nói là vi phạm luật.
Việc thiếu một khung pháp lý quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã vô hình chung tạo điều kiện cho buôn lậu mặt hàng này phát triển. Không rõ nguồn gốc, đa phần nhập từ Trung Quốc với kiểu dáng bắt mắt, giá thành chỉ vài trăm thậm chí cho đến vài chục ngàn, các sản phẩm lậu này được quảng cáo bày bán trên mạng, làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Vì vậy, bên cạnh việc ban hành những giải pháp triệt để và hiệu quả để đối phó với thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, đã đến lúc các cơ quan, các nhà quản lý nghiên cứu xây dựng ban hành chính sách quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo việc xây dựng khung pháp lý cần được thực hiện một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, đo lường tác động rủi ro đối với sức khỏe và tham khảo kinh nghiệm các nước có nền y tế và khoa học phát triển như Anh, New Zealand, Nhật Bản.
Quang Tuấn